Bất chấp nỗ lực không ngừng của các nước và tổ chức quốc tế, nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là khi những điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc thiếu kinh phí đang đe dọa đẩy các hoạt động cứu trợ vào nguy cơ bị đình trệ.
Một khu chợ tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti, ngày 17/9/2022. (Ảnh: Reuters) |
Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo về khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 10 triệu euro để giải quyết nhu cầu nhân đạo gia tăng chưa từng thấy ở Haiti. Với khoản tài trợ mới này, ngân sách EU hỗ trợ cho Haiti trong năm nay lên đến 18,5 triệu euro. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cung cấp thực phẩm cho hơn 1,4 triệu người dân Sudan kể từ khi xung đột tại quốc gia này bùng phát hồi tháng 4 vừa qua, đồng thời giúp đỡ khoảng 1,5 triệu người dân Haiti trong nửa đầu năm 2023. Không chỉ ở Haiti và Sudan, trong nhiều năm qua, hàng triệu người dân ở Somalia, Afghanistan, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo… cũng nhận được sự hỗ trợ quý giá từ cộng đồng quốc tế.
Không thể phủ nhận những thành quả mà các nước và tổ chức quốc tế đã đạt được trên hành trình bắc nhịp cầu nhân đạo đến nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, hành trình đó đang ngày càng đối mặt nhiều thách thức, trong bối cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn tại một số nước. Phát biểu trước Ủy ban Xây dựng hòa bình Liên hợp quốc và Quỹ Xây dựng hòa bình, mới đây, Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi nhấn mạnh, 27 điểm nóng xung đột vũ trang trên thế giới đang hằng ngày cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. So với 20 năm trước, số quốc gia phải cùng lúc trải qua nhiều cuộc chiến tranh và xung đột đã tăng gấp ba lần.
Thực trạng nêu trên kéo theo ngày càng nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo. Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính, trong 100 ngày chiến sự, xung đột tại Sudan đã khiến hơn ba triệu người phải đi lánh nạn, hơn 1.100 người chết, hàng nghìn công trình nhà ở, đường sá, trường học, bệnh viện bị phá hoại và hơn 40% số dân nước này, tương đương 19 triệu người đối mặt nạn đói. Tại Haiti, số người cần được hỗ trợ nhân đạo cũng tăng gấp đôi trong 5 năm qua, lên 5,2 triệu người, tương đương gần một nửa dân số. Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhấn mạnh, 12 năm xung đột vũ trang là một trong những nguyên nhân chính đẩy 90% số dân Syria xuống dưới mức nghèo đói.
Bên cạnh Sudan, Haiti, Syria, người dân tại nhiều quốc gia cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi bạo lực tiếp diễn dai dẳng. Theo Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi, số người thiệt mạng do xung đột trên thế giới đang ở mức cao nhất trong 28 năm qua. Hơn 100 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Giới phân tích cho rằng, nhu cầu nhân đạo ngày càng lớn đang đặt Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trước thách thức duy trì hoạt động khi nguồn tài chính eo hẹp. Nếu bài toán ngân sách không được giải quyết, việc cắt giảm hoạt động nhân đạo trên toàn cầu là kịch bản khó tránh khỏi. Mới đây nhất, WFP thông báo cắt giảm viện trợ nhân đạo cho khoảng tám triệu người dân Afghanistan, vì thiếu hụt ngân sách.
Các đối tác của Liên hợp quốc tại địa phương cho biết, 25 nhóm hỗ trợ y tế và dinh dưỡng lưu động tại bốn tỉnh của Afghanistan đã phải dừng hoạt động do hết kinh phí. Ngân sách của WFP cho hoạt động cứu trợ lương thực tại Afghanistan có thể sẽ cạn vào cuối tháng 10 tới. Trước đó, WFP cũng buộc phải giảm viện trợ khẩn cấp dành cho Haiti. Theo WFP, trong nửa đầu năm 2023, kế hoạch viện trợ của WFP ở Haiti mới chỉ nhận được 16% kinh phí cần có. Sau quyết định cắt giảm nêu trên, 100 nghìn người Haiti không được viện trợ lương thực trong tháng 7 này.
Bên cạnh thiếu kinh phí, các hoạt động nhân đạo bị cản trở khi các hành lang nhân đạo liên tiếp bị gián đoạn. Theo Liên hợp quốc, các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ đã tăng trong những năm gần đây, trong bối cảnh số vụ xung đột bạo lực chạm mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Riêng WFP đã ghi nhận bốn nhân viên thiệt mạng trong năm nay do xung đột tại Sudan và Yemen.
Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi nhấn mạnh, thực trạng tình hình nhân đạo hiện nay là hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng nhất đối với cộng đồng quốc tế. Nếu thế giới không chung tay xoa dịu các cuộc khủng hoảng và ngăn ngừa xung đột, thì cam kết về một tương lai an toàn, bền vững vào năm 2030 có nguy cơ trượt ra khỏi tầm với của nhiều cộng đồng.
(Theo nhandan.com.vn)