Chiều 21/8, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ có nêu sau 4 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện; 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ. Theo bà Ngân, có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; có 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp đều có nguyên nhân là phụ thuộc vào nguồn lực và khả năng cân đối ngân sách của các địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại nêu trên?
ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cũng phản ánh, giai đoạn 2023-2025 cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương, việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2023. Để sớm ổn định tổ chức bộ máy nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không? trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào và Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?
Trả lời, liên quan đến nội dung sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư giai đoạn 2019-2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này Bộ Nội vụ tổng hợp đối với cán bộ, công chức của cấp huyện thì còn dôi dư có 58/706 người, chiếm 8,22% và số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư còn 1.405/9.614 người, chiếm còn lại khoảng 14,49%.
Theo bà Trà, giai đoạn qua chúng ta sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và số dôi dư ở cấp xã lên tới trên 18.000 nhưng đến nay đã giải quyết được như vậy là khá cơ bản. Theo như Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Nghị quyết 109 của Quốc hội là đến hết năm 2025 phải giải quyết xong số này.
Vừa qua để giải quyết cả tồn đọng của giai đoạn 2019-2021 cũng như chuẩn bị cho việc sắp xếp giai đoạn 2023-2030, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, vì đây là một trong những tồn đọng rất lớn, chính vì vậy đã ban hành rất nhiều nghị định quan trọng trên tinh thần của Nghị quyết 35. Bộ Nội vụ đã tham mưu, ban hành Nghị quyết 29 để giải quyết chính sách tinh giản biên chế, trong đó dành riêng một khoản rất rõ cho sắp xếp cán bộ công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Theo đó, đối với cấp xã thì có thêm Nghị định 33, cũng là một điều kiện vô cùng thuận lợi để có thể sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư cũng như cán bộ không chuyên trách. Vì vậy số còn lại không nhiều.
“Chúng tôi mong muốn các địa phương quan tâm, tập trung trên cơ sở những chính sách hiện có và hiện nay tôi được biết có tới 46/54 các địa phương nằm trong diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn này đã có Nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm ngoài Nghị định 29 của Chính phủ. Như vậy là rất tốt. Bây giờ trách nhiệm trước hết là trách nhiệm về phía các địa phương rà soát, xem xét, công khai dân chủ, công bằng để chúng ta tiếp tục vận dụng các chính sách hiện có của trung ương cũng như của địa phương để giải quyết dứt điểm việc cán bộ công chức dôi dư đến hết 2025 là kết thúc việc này”-bà Trà cho hay.
Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019-2021, theo bà Trà đến thời điểm này mới có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, còn lại 5 địa phương chưa có. Theo đó, có 6/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp cũng chưa được phân loại đô thị và 43/152 đơn vị hành chính đô thị tôi gọi đó là cấp xã được hình thành cũng chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và 58/104 đơn vị hành chính thị trấn hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Đây là một nhiệm vụ rất lớn, nhưng giai đoạn qua cũng có những khó khăn. Khó khăn thứ nhất là rơi vào đúng vào thời điểm sau khi sắp xếp xong chưa kịp để thực hiện điều chỉnh. Bởi vì bấy giờ thực hiện theo Luật Quy hoạch thì phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, phải xây dựng quy hoạch tỉnh, sau đó mới bắt đầu rà soát để thực hiện các quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nông thôn. Chính vì vậy, các địa phương có việc thực hiện trễ nhưng cũng có những địa phương làm rất tốt”-bà Trà cho biết.
Trong thời gian tới, bà Trà đề nghị trên tinh thần của Nghị quyết 35 Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Xây dựng cũng như các quy định hiện hành về công tác hoàn thiện việc lập quy hoạch cần rà soát và lập quy hoạch đô thị và phân loại đô thị để hoàn tất toàn bộ các nhiệm vụ của giai đoạn trước và chuẩn bị cho cả giai đoạn sau. Các địa phương cũng cần nỗ lực hơn, quyết tâm cao để hoàn thành được việc quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu khi sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch liên quan.
Nguồn: https://daidoanket.vn/giai-quyet-can-bo-doi-du-tai-cap-huyen-cap-xa-10288490.html