Khó đi ngược với xu thế chung trên thế giới
Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động về những bất cập của thị trường vàng, ngày 28.12.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1426/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, rà soát khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Tất cả công việc này Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thành trong tháng 1.2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường
Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý Nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức… và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Sẽ chuẩn bị để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trong tháng 1.2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Trên cơ sở đó, Báo Lao Động đề xuất một số giải pháp để ổn định và phát triển thị trường vàng trong nước, hội nhập và liên thông với thế giới, trong đó bao gồm cân nhắc thành lập sàn giao dịch vàng – điều mà các quốc gia khác đang tận dụng triệt để. Kim loại quý nhờ đó không chỉ nằm trong két mà sẽ “chảy” vào nền kinh tế, là chất xúc tác cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – đồng tình với đề xuất này. Ông cho biết, việc Nhà nước cấm hoàn toàn giao dịch của sàn vàng, các sàn vàng mở trái phép, gây khó khăn cho việc quản lý. Thế giới hiện đang chuyển hướng từ thị trường giao dịch hàng hóa vật chất truyền thống sang thị trường giao dịch hàng hóa kỳ hạn với các sản phẩm đầu tư tiện ích hơn (sản phẩm phái sinh, chứng chỉ quỹ…) thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Trong khi đó, Việt Nam chỉ tập trung quản lý sản xuất và kinh doanh vàng vật chất.
“Việc cấm giao dịch vàng kỳ hạn, chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Với cách làm như hiện nay thì Nhà nước chưa thể huy động được một lượng lớn vàng trong dân. Bên cạnh đó, thị trường vàng Việt Nam cần liên thông với thị trường vàng thế giới. Cần dần chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhờ đó có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế” – ông Long nói.
Vị chuyên gia gợi ý giải pháp có thể cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Đây là điều mà các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… vẫn đang làm.
Theo ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), thông lệ quốc tế quản lý vàng theo hai mảng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Trong đó phổ biến là các sàn vàng, vàng tài khoản, thì Nghị định 24 lại không đề cập, chỉ nói kinh doanh vàng khác.
“Thị trường Việt Nam đã có các sàn giao dịch hàng hoá, riêng vàng không có. Trước đây sàn tự phát mọc lên, tuy nhiên do làm đường mà không có vạch chỉ nên phương tiện đi lung tung. Tôi kiến nghị nên thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia do Nhà nước quản lý. Vấn đề quan trọng là xây dựng hành lang pháp lý như thế nào” – ông Bảng đề xuất.
Cần coi vàng như mặt hàng bình thường trong giao dịch
Theo dõi kinh nghiệm từ quốc tế, GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội – cho biết, hiện tại chúng ta đang tập trung phát triển nền kinh tế số, giao dịch số. Vì thế, cần thiết phải đưa giao dịch vàng giống như các hàng hóa khác trên thị trường. Người mua vàng có thể lựa chọn mua để tích trữ, để giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn tại sàn giao dịch hàng hoá. Hiểu đơn giản, thay vì mua vàng vật chất và đem về nhà, người dân sẽ nắm giữ hợp đồng dạng số hoá và mua bán trên sàn giao dịch như chứng khoán. Tuy nhiên, do mỗi nước có chính sách đặc thù, nên việc giao dịch vàng ở Việt Nam sẽ có điểm khác biệt.
Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu việc thành lập sàn giao dịch vàng, coi vàng như mặt hàng bình thường trong giao dịch.
Lúc này, cơ quan Nhà nước đóng vai trò đưa ra quy định, hành lang, tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động của sàn giao dịch vàng (cho phép giao dịch vàng vật chất, ký gửi, hoặc thông qua chứng chỉ vàng) để doanh nghiệp, người dân có thể tham gia.
Đặc biệt, doanh nghiệp tham gia việc giao dịch phải có uy tín rất lớn, đủ năng lực về tài chính, có thể là các ngân hàng thương mại cùng tham gia.
“Nhà nước không tham gia trực tiếp vào quá trình giao dịch, nhưng Nhà nước đưa ra khuôn khổ pháp lý để kiểm soát hoạt động đó. Nhà nước không đứng ra nhập vàng, hay bảo hộ cho một thương hiệu nào. Thông qua hoạt động mua bán trên sàn vàng, chúng ta tạo ra mức giá cạnh tranh theo thị trường, sẽ không có việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá nhiều. Nếu đưa vàng vào giao dịch như thế, vàng sẽ không còn là một phần tài sản tích trữ nằm “chết vốn” trong dân. Bởi khi giao dịch vàng trên sàn, sẽ trở thành thị trường vốn để có thể huy động vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội” – GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nên sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường vàng, tránh việc mang tiền ồ ạt nhập vàng làm ảnh hưởng đến tỉ giá. Khi vàng trở thành một loại hàng hóa sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cá nhân mua bán, tiêu dùng, cất trữ vàng miếng; không áp dụng đối với vàng trang sức nhưng phải có văn bản quy định phân biệt vàng miếng, vàng trang sức để tránh lách luật trốn thuế.
Ngoài ra, cần số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh vàng, để có thể kiểm soát từng cân, từng lạng một. Nếu làm được như thế, hằng ngày Nhà nước sẽ kiểm soát được lượng vàng mua bán, giao dịch, vừa tránh thất thu thuế, vừa tránh được việc vàng hóa nền kinh tế.
Trong quá trình thực hiện, ông Cường lưu ý: Để có quy mô sàn giao dịch mang tầm quốc gia sẽ cần sự phối hợp của nhiều bên. Giống như thị trường chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán bản chất chỉ đóng vai trò thực hiện giao dịch, tổ chức thị trường. Còn nắm giữ cổ phần của người dân là do trung tâm lưu ký – đơn vị Nhà nước đứng ra đảm bảo tài sản của họ gửi vào và nắm giữ, đồng thời cấp cho người dân mã chứng khoán. Do đó để xây dựng niềm tin nơi người dân, cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nhà nước đứng ra bảo lãnh thì người dân mới gửi gắm vàng vào kho và cấp chứng chỉ để giao dịch.
“Vàng giao dịch trên sàn hay ngoài thị trường chỉ là những nơi khác nhau còn quy định về xuất nhập khẩu mới là yếu tố khiến chảy máu ngoại tệ” – GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Công tác quản trị rủi ro luôn cần đi kèm khi sàn giao dịch vàng được đưa vào vận hành. Ví dụ như rủi ro hệ thống, sự cố kỹ thuật, an ninh, bảo mật, chống tấn công cũng như cần có cơ chế, quy trình, giám sát, kiểm soát nội bộ. Khi giao dịch liên thông, sở giao dịch trong nước phải tuân thủ các quy định của các sở nước ngoài liên quan đến bảo mật thông tin, chống rửa tiền…
GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: Đưa vàng lên sàn giao dịch, thị trường sẽ minh bạch hơn
Vào năm 2011, khi lạm phát gia tăng, giá bất động sản trầm lắng, giá chứng khoán sụt giảm liên tục, đồng tiền mất giá, dân chúng đã đổ xô đi mua vàng. Lúc đó chúng ta phải ban hành Nghị định 24 để chống vàng hóa nền kinh tế.
Đến thời điểm này, đồng tiền Việt Nam đã kiểm soát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát. Nếu chúng ta vẫn giữ chính sách độc quyền vàng thì không còn phù hợp. Hiện nay vàng chỉ là phương tiện dự trữ, nên không có lý do gì Nhà nước lại đứng ra giữ thương hiệu vàng như thế. Đã đến lúc phải bỏ độc quyền vàng, Nhà nước không tham gia vào mua bán vàng trên thị trường mà chỉ tham gia vào việc đưa ra công cụ để kiểm soát. Nhưng bỏ độc quyền vàng miếng không có nghĩa là cho tự do, doanh nghiệp nào cũng được nhập khẩu buôn bán, mà chỉ cho doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia. Việc giao dịch vàng phải thông qua việc kê khai, để kiểm soát được việc đóng thuế.
Nếu doanh nghiệp vi phạm việc khai báo, kê khai, thì sẽ bị xử lý rất nặng. Hiện nay, quy định về giao dịch vàng tại Việt Nam cũng đang để trống, nguyên nhân không phải là không thể đáp ứng về mặt kỹ thuật. Bất kỳ loại hàng hoá nào cũng có thể có cơ chế giao dịch phù hợp dựa trên những chính sách, quy định có sẵn. Nếu có thể đưa vàng lên sàn giao dịch tập trung, thị trường sẽ trở nên minh bạch, mua bán thuận tiện hơn và người tham gia có công cụ đầu tư và bảo hiểm giá.
PV
Sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý thị trường vàng
Ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – đánh giá, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN.
“Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế” – ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.
Đại diện NHNN khẳng định, trong tháng 1.2024 sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Minh Ánh
Kinh nghiệm thành lập sàn giao dịch vàng tại các nước
Sàn giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE) được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thành lập vào tháng 10.2002 sau khi được Hội đồng Nhà nước phê duyệt và được PBOC giám sát. SGE được tổ chức thành 2 thị trường là giao dịch vàng qua tài khoản và giao dịch vàng vật chất. Bốn ngân hàng quốc doanh được lựa chọn là ngân hàng thanh toán và không nhận lưu ký tiền, vàng. SGE tổ chức nhiều điểm giao dịch tại các thành phố để làm nhiệm vụ giao – nhận, đảm bảo tiêu chuẩn thanh toán T+0 với vàng giao ngay.
Sàn giao dịch Tương lai Thái Lan (FTEX, là thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) được thành lập vào tháng 5.2004 để làm trung tâm giao dịch hợp đồng tương lai hoặc các sản phẩm phái sinh. Năm 2009, hợp đồng tương lai vàng đầu tiên được đưa vào giao dịch. FTEX có hai hợp đồng tiêu chuẩn kỳ hạn vàng với độ lớn khác nhau: loại 10 Baht (152,44 gram) và loại 50 Baht (762,2 gram), chất lượng tiêu chuẩn vàng 96,5%.
Tại Mỹ, Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) là một sàn giao dịch hàng hóa tương lai được sở hữu và điều hành bởi Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CME). Sàn NYMEX được quản lý bởi Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai – một cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ. Cần lưu ý rằng, sàn này không cung cấp kim loại quý mà chúng được cung cấp bởi người bán như một phần của quy tắc hợp đồng.
Đức Mạnh