Kỳ tích từ tinh thần ‘Chỉ bàn làm, không bàn lùi’
Sau hơn 7 tháng thi công “thần tốc” (khởi công vào ngày 18/01/2024, hoàn thành đóng điện ngày 27/8/2024), Công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài gần 520 km đi qua địa bàn 9 tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra đã hoàn thành, đóng điện, được Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành hôm 29/8 vừa qua; nối tiếp thêm kỳ tích của ngành điện Việt Nam.
Với tinh thần Chỉ bàn làm, không bàn lùi, dự án đường dây 500kV mạch 3 đã thần tốc về đích trong hơn 7 tháng thi công |
Ông Nguyễn Thái Sơn – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – Nguyên CVP Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực khẳng định:
Không thể dùng từ khác cái từ “kỳ tích” được. Đấy là những tiến độ không tưởng so với một công trình đường dây 500 kV. Như chúng ta biết, việc đầu tư các đường dây 500 kV mà trải qua nhiều tỉnh, nhiều địa phương cũng như là các trạm biến áp 500 kV thì đấy là những khối lượng rất lớn và đồ sộ. Không thể hoàn thành với các kỷ lục mà trong vòng cỡ 6 tháng, 7 tháng… Bởi vì đơn cử trước đây chúng ta cũng có những công trình xây dựng rất nhanh. Ví dụ như là đường dây 500 kV từ Sơn La đi Lai Châu hoặc là từ Vân Phong đi Vĩnh Tân – cũng là những công trình trọng điểm, được rất nhiều lãnh đạo của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như địa phương quan tâm, hỗ trợ tối đa rồi nhưng chúng ta vẫn phải tiến hành trong vòng cỡ 18 tháng, 24 tháng…
Có được kết quả thi công thần tốc, để có kỳ tích này là bởi đã có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, luôn bám sát công trường của người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Kết quả “thần tốc” của Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đến từ sự đồng tâm, hợp lực. Từ tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; “vượt nắng, thắng mưa”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; “thi công 3 ca, 4 kíp”; “làm việc xuyên lễ, xuyên Tết”… Từ sự tuân thủ chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ: phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm; bố trí các nguồn vốn, tập trung nguồn lực cho dự án; khi triển khai phải huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước và huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ cho dự án!
Điều này đã làm nên kỳ tích khi chỉ hơn 7 tháng công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của ngành điện, của đất nước đã về đích.
Điện – Đường là 2 lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội, điều này càng ý nghĩa hơn bao giờ hết khi chúng ta đã từng chứng kiến cảnh thiếu điện 20 ngày ở miền Bắc từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6/2023.
Điện – Đường là 2 lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội (Ảnh: Thành Vinh) |
Tinh thần “mạch 3” đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định tại buổi lễ phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” ngày 18/8 vừa qua:…. Các bộ, ban, ngành, địa phương phải thực sự vào cuộc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”. Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm”.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công trên cả nước là khoảng 1.700 km, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc – Nam, các dự án kết nối theo trục Đông – Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, kết nối các khu vực, kết nối 48 tỉnh, thành phố. Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000 km.
Thủ tướng chỉ đạo, đối với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, phải thúc đẩy nhanh tiến độ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vì tổng vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông toàn quốc năm 2024 là rất lớn, khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội.
Giải pháp cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông
Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, khi ở nhiều địa phương có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Từ thành công của đường dây 500 kV mạch 3, tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” sẽ truyền cảm hứng rất lớn cho các công trình khác, dự án khác.
Cần lan tỏa tinh thần ‘Chỉ bàn làm, không bàn lùi’ trong thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông |
TS. Nguyễn Minh Phong – Nguyên Phó Vụ trưởng, Phó trưởng ban, Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân đã từng nhận định: Nếu chúng ta duy trì tinh thần dám làm, dám chấp nhận rủi ro vì lợi ích chung, vì lợi ích của đất nước thì sẽ truyền cảm hứng rất lớn cho các bộ, ngành, địa phương, từ đó chúng ta sẽ đẩy nhanh được các dự án trọng điểm quốc gia, đẩy nhanh được quá trình giải ngân vốn đầu tư công không chỉ trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực điện mà còn cả trong lĩnh vực khác.
“Từ đó chúng ta lan tỏa tinh thần dám làm, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời thúc đẩy được nguồn vốn ở khu vực tư nhân. Kết quả của công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối là trường hợp để chúng ta khai thác cảm hứng đó lan tỏa xa hơn trong nền kinh tế.”- TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” qua dự án đường dây 500kV mạch 3 đã hình thành văn hóa lãnh đạo quản lý mới. Đó là phải vào việc, phải bám sát thực chất công việc, thể hiện quyết tâm và bản lĩnh của người chỉ huy và đặc biệt khi phân công phải đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính giám sát, tính sàng lọc để nhận diện những người mơ hồ, né tránh công việc để đưa ra ngoài đội ngũ, từ đó giúp nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.
Dự án “mạch 3” có tính chất kéo dài qua nhiều tỉnh không thể làm cuốn chiếu mà làm đồng thời cho thấy công tác tổ chức, sự đồng bộ, chuẩn hóa về kỹ thuật rất quan trọng. Điều đó cho thấy tính tuân thủ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công, nhà thầu.. đã được cải thiện và nâng cao. Qua dự án “mạch 3” cho thấy sự trưởng thành của cả Chính phủ và ngành điện trong công tác tổ chức, phối hợp những dự án mang tầm quốc gia.
Soi chiếu vào hạ tầng giao thông- đây là một trụ cột quan trọng, là “đột phá” của “đột phá chiến lược”. Vì thế, Chính phủ đã dành nguồn lực rất lớn cho phát triển hạ tầng giao thông (khoảng 470.000 tỷ đồng của giai đoạn 2021-2025, trong đó chỉ tính riêng năm 2024 là khoảng 200 nghìn tỷ đồng). Đây là những con số không hề nhỏ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, và rất nhiều lĩnh vực, cơ sở hạ tầng thiết yếu khác cũng đang rất cần các nguồn lực để đầu tư…
Có thể thấy nguồn lực bổ sung cho nền kinh tế qua đầu tư công đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn, điều này sẽ tạo sự lan tỏa, kết nối, tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, khẳng định vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong tạo động lực, bổ sung nguồn lực để phát triển.
Tuy nhiên để các dự án hạ tầng giao thông đạt mục tiêu của Đại hội XIII về phát triển các cơ sở hạ tầng để hoàn thành 3000 km đường cao tốc vào năm 2025 thì rõ ràng cần phải có những tinh thần như “mạch 3” mà vấn đề này phụ thuộc rất lớn ở khâu cán bộ.
Để hoàn thành 3000 km đường cao tốc vào năm 2025 thì rõ ràng cần phải có những tinh thần như “mạch 3” – Ảnh: Minh họa |
Trong một diễn đàn về kinh tế cuối tuần diễn ra vào ngày 1/9 vừa qua của Đài tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Minh Phong khẳng định: Vốn nhiều, dự án nhiều không dám giải ngân trong khi doanh nghiệp thiếu vốn và lý do tắc ở khâu cán bộ. Cán bộ không sẵn sàng, né tránh trong giải ngân đầu tư công và né tránh cả giải quyết các dự án đầu tư tư khác nữa. Nên công tác cán bộ cực kỳ quan trọng.
Ông Phong đề nghị: “Sớm xây dựng các tiêu chí ai là né tránh, ai là tranh công, đổ tội để từ đó sàng lọc đưa ra một bên những người không đủ tâm, đủ tầm để tham dự sự nghiệp mới”.
Tiếp theo phải hoàn thiện Luật cũng như bổ sung cơ chế bảo vệ cho những người dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm để họ làm họ cảm thấy an toàn.
Có thể khẳng định, công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối là công trình truyền cảm hứng cho chúng ta ở nhiều góc độ.
Cảm hứng đó có thể được truyền ngay trong những công trình giao thông hiện nay đang thực hiện, tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” của Thủ tướng Chính phủ hết sức quyết liệt và hoàn toàn có thể được áp dụng cho những công trình giao thông trọng điểm khác nữa giống như áp dụng tinh thần trong công trình đường dây 500 kV mạch 3 vừa qua.
Tinh thần đó phải được lan tỏa đến tất cả các dự án đầu tư công, từ nhận diện dự án, xây dựng dự án, giải phóngg mặt bằng, tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án, thanh toán cho nhà thầu… tất cả tinh thần này phải thực hiện giống như Thủ tướng đã chỉ đạo: Rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm là tinh thần luôn luôn vì doanh nghiệp, vì người dân, vì lợi ích của nền kinh tế và từ tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” sẽ tìm ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Nguồn: https://congthuong.vn/chi-ban-lam-khong-ban-lui-giai-phap-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-ve-phat-trien-ha-tang-giao-thong-343037.html