Diện tích đất trống tại cụm công nghiệp chậm được lấp đầy do gặp nhiều khó khăn về thủ tục.
Hiệu quả đầu tư thấp
Diện tích CCN Phong Nẫm sau khi điều chỉnh còn lại 73,68ha, trong đó, đất sản xuất công nghiệp 54,25ha, đất hạ tầng khác 19,43ha. Diện tích lấp đầy 32,34/54,25ha, đạt 59,61%. Hiện tại, CCN Phong Nẫm có 9 dự án đăng ký xin đầu tư vào cụm, 7 dự án được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư, 2 dự án đang thực hiện các thủ tục trình UBND tỉnh để xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó 4 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 5 DN trong nước.
Các DN FDI như: Công ty TNHH E.Z Costect sản xuất mặt nạ đắp mặt từ thạch dừa, Công ty TNHH Thực phẩm Susa Việt Nam, Công ty TNHH Trung Nhạc, Công ty TNHH Đầu tư XIDUODUO HONG KONG; tổng vốn đầu tư 615 tỷ đồng; tổng vốn đã thực hiện 110 tỷ đồng, đạt 17,88%. Các DN Việt Nam như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH Tâm Furniture, Công ty TNHH MTV Mây Việt, Công ty TNHH MTV SX TMDV XNK Bến Tre Phong Nẫm, Công ty cổ phần Thương mại May Việt Thành; tổng vốn đầu tư 3.686 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện 2.299 tỷ đồng, đạt 62,37%.
Tuy nhiên, CCN mới chỉ có 3 DN triển khai hoạt động sản xuất, với tổng diện tích 17,42ha, gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre sản xuất nước dừa đóng lon trên diện tích 12,4ha. Công ty TNHH E.Z Costec sản xuất mặt nạ đắp mặt từ thạch dừa trên diện tích 2,3ha. Công ty TNHH Tâm Furniture sản xuất khung, bàn ghế đan dây nhựa trên diện tích 2,72ha. Các công ty này giải quyết 1.285 lao động, thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/lao động/tháng. Giá trị xuất khẩu của các DN này giai đoạn 2020 – 2022 đạt 4.780 tỷ đồng.
CCN Phong Nẫm chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các công ty hoạt động sản xuất trong cụm và các công ty đang chuẩn bị đầu tư vào cụm đều phải thực hiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn loại A theo quy định. Hàng năm, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuê đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo giám sát môi trường toàn cụm.
Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho biết, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do giá đất thị trường khu vực cụm tăng cao, nhân dân không đồng ý với hệ số và đơn giá Nhà nước quy định, thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài nên gây nhiều khó khăn, cơ hội đầu tư cho DN. Nguồn ngân sách của huyện còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng trong CCN chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu cho các DN đầu tư trong cụm như hạ tầng giao thông, cầu tàu, hệ thống xử lý nước thải tập trung…
Qua giám sát hiệu quả sử dụng đất CCN, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới cho rằng, đã 15 năm nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa cao. Hiệu quả sử dụng đất kém về thời gian quy hoạch triển khai thực hiện và trên đơn vị suất đầu tư, có hiện tượng lãng phí sử dụng đất, quy hoạch đất để đó. Mặt bằng quy hoạch rất nhiều nhưng mặt bằng sản xuất chế biến còn thưa thớt, bỏ trống. Tiến độ lấp đầy chậm…
Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn
Những hạn chế trên cũng là tình hình chung của CCN trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới đặt vấn đề: “CCN đóng vai trò chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương nhưng tại sao huyện chưa tham gia bố trí đầu tư công vào cụm. Chúng ta đang thực hiện phương thức tạm ứng vốn của DN để giải phóng mặt bằng, sau đó khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Vấn đề này có khó khăn gì?”.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho hay: “Thực tế hiện nay, huyện chỉ thu ngân sách ngoài CCN và DN có doanh thu dưới 10 tỷ đồng. Theo quy định, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có doanh thu trên 10 tỷ đồng thì tỉnh thu ngân sách. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng cân đối để bố trí vốn đầu tư cho đầu tư hạ tầng các CCN…”.
Mặc dù thời gian qua huyện Giồng Trôm có phát huy vai trò địa phương trong phối hợp với các ngành tỉnh để triển khai nhưng do nhiều bất cập nên chưa tháo gỡ được nút thắt. Trong chuyến làm việc với huyện, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới đã nắm rõ các nút thắt hiện nay và cho biết sẽ quan tâm vấn đề này để có giải pháp hỗ trợ địa phương trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Quới kiến nghị huyện, mặc dù có khó nhưng quan điểm phải bứt phá. Bởi điểm nhấn phát triển của huyện là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp là trụ đỡ. CCN Phong Nẫm phải giải quyết vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì thế, tranh thủ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh đầu tư hạ tầng cơ bản để kêu gọi đầu tư.
“Ngay từ lúc này, nếu muốn mở rộng cụm, huyện cần rà soát quỹ đất của địa phương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Về huy động vốn, trong ngân sách của huyện, đầu tư công, hàng năm huyện dành bao nhiêu phần trăm, dồn sức cho đầu tư CCN, nhằm tạo ra bước đột phá cho phát triển địa phương…”, ông Nguyễn Văn Quới lưu ý.
Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân kiến nghị, UBND tỉnh quan tâm ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Phong Nẫm, nhằm thu hút nhà đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp: hỗ trợ vốn đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để cho nhà đầu tư thuê khi có nhu cầu đầu tư nhằm rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng; hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng đường giao thông đấu nối vào đường trục chính trong CCN Phong Nẫm; bố trí vốn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung CCN Phong Nẫm để xử lý nước thải. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc