Với đặc điểm địa hình, địa chất thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng, Bắc Kạn có thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài dược liệu quý và dược liệu tiềm năng với hơn 1.000 loài cây thuốc với nhiều loài có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như bình vôi, hà thủ ô, khôi nhung tía, ba kích, cát sâm, đẳng sẩm, kê huyết đằng…, đặc biệt có 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam; lâm sản ngoài gỗ gồm các loại măng, nấm linh chi, nấm hương, chè hoa vàng…. Với nguồn tài nguyên cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ như vậy, nếu được bảo vệ, khai thác và phát triển hợp lý, có thể mang lại nguồn lợi về kinh tế đáng kể cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đóng góp cho nguồn thu của tỉnh Bắc Kạn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Duy Diệp cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án phát triển dược liệu, đồng thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu ở Bắc Kạn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, do vậy đòi hỏi các chính quyền và người dân chung tay bảo tồn và phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, gắn sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, coi đây là một trong những nguồn thu nhập chính từ rừng của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có khá nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia vào hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiệu thụ sản phẩm cây dược liệu. Hình thành các chuỗi giá trị, phát triển các vùng trồng dược liệu, đảm bảo nguyên liệu cho các doanh nghiệp, HTX hoạt động sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, điển hình như: Công ty CP dược liệu quý DONAVI Bắc Kạn, Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà, HTX Đông Nam Dược, HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Trồng và Sản xuất Dược liệu Bảo Châu, HTX Cộng đồng Khuổi Khe…
Việc triển khai trồng và phát triển dược liệu trong những năm qua đã mang lại khá nhiều thành công và bài học, kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển sản xuất cây dược liệu trong những năm tới. Tuy nhiên, sản xuất dược liệu còn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái dẫn đến tình trạng cây cây sinh trưởng, phát triển chậm, không đồng đều. Dược liệu chưa được chuẩn hóa và trồng theo tiêu chuẩn (theo GACP-WHO, hữu cơ), dẫn đến sản lượng không cao, giá trị thấp, khó khăn khi tham gia thị trường tiêu thụ.
Để phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn đã đưa ra một số các giải pháp như hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật – công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt chế biến dược liệu và các sản phẩm dược liệu; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; chỉ đạo, hướng dẫn việc sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn gen. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP/GACP-WHO./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/giai-phap-phat-trien-san-xuat-va-lien-ket-tieu-thu-lam-san-ngoai-go-cay-duoc-lieu-cac-tinh–.aspx