Nhiều vấn đề hiện hữu
TS Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam (IBST) cho hay, qua công tác tổng kiểm tra của Bộ Công an, rà soát trên cả nước đối với khoảng 1,2 triệu công trình, có khoảng hơn 38 nghìn công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn cháy, đây là những công trình rất khó hoặc không thể khắc phục được.
Tỷ lệ vi phạm lớn nhất là về thoát nạn chiếm 35%, trong khi đây lại là yêu cầu cốt lõi số 1 của an toàn cháy. Những công trình vi phạm yếu tố cốt lõi thứ hai về an toàn cháy là ngăn chặn cháy lan chiếm tỷ lệ 21%.
Như vậy, riêng 2 yếu tố an toàn cháy cốt lõi nhất đã chiếm hơn một nửa tổng số các vi phạm (56%). Bên cạnh đó, có 20% công trình vi phạm tiêu chuẩn về phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hệ thống báo cháy, chữa cháy.
Dẫn chứng từ thực tế, lãnh đạo IBST nêu ví dụ điển hình như vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là công trình nằm trong ngõ sâu, không có đường để cho xe chữa cháy tiếp cận.
Chung cư được xây 9 tầng, 1 tum; diện tích xây dựng thực tế khoảng 270m2, xây sai phép 3 tầng và xây vượt diện tích. Theo mặt bằng tầng điển hình, ở giữa có hành lang rất nhỏ, xung quanh là các căn hộ bố trí dày đặc, vây kín khu thang máy và thang bộ.
Nhà có các lỗ thông tầng và thang bộ xuyên suốt các tầng, từ tầng 1 là chỗ để xe, lên sân thượng là tầng 9. Các lỗ thông tầng này chính là nguyên nhân cơ bản gây chết nhiều người.
Khi đám cháy xảy ra ở khu để xe tầng 1, nhà có duy nhất 1 lối thoát nạn ra ngoài ngõ trước mặt do đám cháy sinh ra khói, nhiệt rất lớn và toàn bộ khói, nhiệt đã dồn hết lên theo các lỗ thông lên các tầng trên.
Còn với vụ cháy nhà ở số 4 Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội), qua mặt bằng điển hình của các tầng cho thấy, tầng 1 là khu vực bán hàng ở ngoài, bên trong có cầu thang đi lên các tầng trên. Tầng 2 là khu vực làm kho chứa hàng, cũng có cầu thang đi lên tầng trên. Tầng 3, 4 có không gian sinh hoạt của gia đình.
Đám cháy xảy ra vào sáng sớm, khi mọi người đang ngủ, nên không kịp phản ứng. Khi phát hiện ra khói, chỉ có duy nhất người phụ nữ thành niên có thể thông qua ban công để trèo sang ban công nhà bên cạnh thoát nạn. Còn 2 người già và 2 trẻ em, vì không thể di chuyển ra lối thoát nạn khẩn cấp này, nên thiệt mạng trong vụ cháy.
“Nhà ở hiện hữu đa dạng về loại hình và nguy hiểm về cháy, đặc biệt với nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh vi phạm yếu tố căn bản về cháy như thoát nạn, ngăn cháy lan. Các tồn tại về PCCC thường nghiêm trọng và khó khắc phục vì nhiều lý do (khó khắc phục hoặc không có khả năng về PCCC; hạ tầng không đáp ứng…) trong khi thời gian vàng thoát nạn thường là 5 phút, tối đa là 10 phút” – TS Cao Duy Khôi cho biết.
Ngăn ngừa cháy từ khâu thi công
An toàn cháy là một vấn đề rất quan trọng trong thiết kế xây dựng công trình, đã được luật hóa trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ở góc độ thiết kế, những mặt bằng kiến trúc với lối thoát hiểm, thang thoát hiểm hợp lý là điều kiện quan trọng và tiên quyết để giảm thiểu rủi ro khi có sự cố xảy ra.
Tiếp theo, hệ thống báo cháy, chữa cháy phải được thiết kế khoa học, đúng tiêu chuẩn, thuận tiện khi vận hành. Ở góc độ thi công, các hạng mục liên quan đến PCCC phải làm đúng thiết kế, bảo đảm chất lượng chuyên môn.
Tuy nhiên, để việc PCCC hiệu quả không chỉ ở các bộ phận kiến trúc mà còn phụ thuộc cả vào vật liệu xây dựng công trình, bao gồm cả vật liệu kết cấu, vật liệu chịu lửa, giải pháp kết cấu, kiến trúc và nội thất.
Giải pháp càng có khả năng chống cháy tốt thì càng hạn chế được việc phát sinh cháy; hoặc nếu chẳng may đã xảy ra cháy thì giảm khả năng lan rộng, kéo dài thời gian chịu lửa để dễ dàng thoát nạn, thoát hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho con người.
PGS.TS Chu Thị Bình – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, tất cả các công trình khi thiết kế, thi công và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam đều phải bảo đảm yêu cầu an toàn cháy.
Như vậy trong thiết kế kết cấu công trình, ngoài việc thiết kế kết cấu bảo đảm điều kiện chịu lực và sử dụng bình thường, phải thiết kế kết cấu thỏa mãn các điều kiện chịu lửa.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chỉ dẫn tính toán lựa chọn các lớp vật liệu bảo vệ chịu lửa cho kết cấu thép nhưng đã có một số bảng tra cho cột và dầm thép bọc chống cháy bằng vữa, bê tông hay tấm chống cháy chuyên dụng. Số lượng các bảng tra và loại vật liệu cho trong bảng tra còn hạn chế. Các loại vữa chống cháy và sơn chống cháy chưa có bảng tra để sử dụng.
Trong khi đó, châu Âu đã có đầy đủ quy chuẩn và tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế kết cấu công trình bảo đảm điều kiện an toàn cháy, với các phần tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa song hành với tiêu chuẩn thiết kế kết cấu ở điều kiện nhiệt độ thông thường.
Vì vậy, việc nghiên cứu tiêu chuẩn châu Âu để phục vụ việc biên soạn Hướng dẫn thiết kế kết cấu liên hợp thép – bê tông chịu lửa theo định hướng mới là rất cần thiết.
“Có thể áp dụng tính toán thiết kế kết cấu thép chịu lửa theo tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ hoặc tiêu chuẩn Nga. Tuy nhiên vẫn cần thử nghiệm để xác định các tính chất nhiệt vật lý của vật liệu bọc bảo vệ chịu lửa để có số liệu đưa vào tính toán kết cấu” – PGS.TS Chu Thị Bình cho hay.
PGS.TS Nguyễn Trường Thắng – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, thiết kế kết cấu chịu lửa là biện pháp thụ động và là ranh giới cuối cùng bảo vệ công trình không sập đổ trong hỏa hoạn, khi những biện pháp chủ động khác về quy hoạch, kiến trúc, cơ điện… đã không còn phát huy tác dụng.
Cùng với QCVN 06, thực tế đòi hỏi cần sớm có TCVN thiết kế kết cấu bê tông cốt thép chịu lửa, việc soạn thảo TCVN thiết kế kết cấu bê tông cốt thép chịu lửa theo SP 468.1325800.2019 là hợp lý trong ngắn hạn do có tính liên thông và tính hệ thống với QCVN 06 và TCVN 5574:2018 cho nhiệt độ thường.
“Về dài hạn, việc chuyển đổi sang tiêu chuẩn châu Âu cũng thuận lợi do tiêu chuẩn Nga và tiêu chuẩn châu Âu có nhiều điểm tương đồng. Tài liệu hướng dẫn thiết kế kết cấu bê tông cốt thép chịu lửa cần được soạn thảo cùng với TCVN. Cần có thêm nhiều nghiên cứu về thực nghiệm để kiểm chứng tiêu chuẩn trong điều kiện Việt Nam” – PGS.TS Nguyễn Trường Thắng thông tin.
Xuất phát từ thực tế hiện nay, nhà hay công trình đều có 2 kết cấu chính là bê tông cốt thép và thép. Mỗi vị trí kết cấu đều có quy định thời gian chịu lửa. Vì vậy, cấu tạo các lớp kết cấu bảo đảm chống cháy rất cần được quan tâm và khả năng chịu lực ra sao cần được tính toán cụ thể, khoa học.
TS Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-ngan-ngua-hoa-hoan-nha-o.html