Theo phản ánh của người dân, hiện nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như ung thư khi điều trị ở tuyến trên, có lịch hẹn tái khám. Thế nhưng khi đến lịch khám, họ buộc phải quay về tuyến dưới để xin giấy chuyển tuyến.
Với thủ tục phiền hà, dù không có điều kiện kinh tế, nhiều người vẫn từ bỏ xin giấy chuyển tuyến, thậm chí bỏ tái khám gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) thừa nhận đúng là có tình trạng như trên xảy ra. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có tình trạng này.
Bà Trang cho hay, Bộ Y tế đã có các giải pháp như đã có Chỉ thị 25 ban hành năm 2020 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó yêu cầu các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám.
Đồng thời, cũng có các công văn hàng năm thường xuyên đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh phân luồng hẹn tái khám để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi.
Đối với giấy hẹn khám lại này, bà Trang cho hay đang lưu ý để có thủ tục đơn giản hơn trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.
“Thay vì lãnh đạo ký thì có thể phân cấp cho các khoa phòng trong cơ sở khám bệnh chữa bệnh để người dân không phải chờ đợi”, bà Trang nêu.
Theo bà Trang, Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng đã có quy định liên quan giấy hẹn tái khám.
Trong đó, có các giải pháp để giảm thủ tục hành chính cũng như phiền hà cho người bệnh. Nếu như người bệnh không thể quay lại trong vòng 10 ngàycủa giấy hẹn khám lại thì người bệnh có thể liên hệ trước vớicơ sở y tế đề nghị một lịch hẹn khám lại khác. Như thế, không phải xin lại giấy hẹn và không phải chờ đợi.
Ngoài ra, sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ truyền thông và số hóa cácloạigiấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và giấy hẹn khám lại. Hiện, đơn vị này đang xin ý kiến các cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội.
“Sau đó, sẽ chạy thử 6 tháng. Sau thời gian 6 tháng chạy thử, Bộ Y tế sẽ có hiệu chỉnh và ban hành chính thức”, bà Trang cho biết.
Bà Trang cũng cho hay, một giải pháp đang được nghiên cứu là thực hiện ký các giấy này bằng bản điện tử để nhanh hơn. Theo đó, lãnh đạo các khoa phòng có thể ký được dù ở đâu.
Hiện, đang là thời điểm cuối năm, bà Trang cho hay, đối với các văn bản khám chữa bệnh như giấy chuyển tuyến, giấy khám lại, các cơ sở sẽ cấp luôn trong năm nay, chứ không phải chờ đến tháng 1/2024 mới ký, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Trước đó, xoay quanh việc bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn chuyển lên tuyến trên thì phải xin giấy chuyển tuyến khiến nhiều người bệnh cho rằng gây phiền hà về mặt thủ tục và kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin trên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn Tp.HCM cho rằng vấn đề này có 2 luồng ý kiến.
Tâm lý của người dân cho rằng tại sao lại cần giấy chuyển tuyến, rất phiền phức và họ có thể đi khám bất cứ cơ sở nào mình muốn.
Cá nhân ông và các bác sĩ bệnh viện tuyến trên cho rằng nếu bỏ phân tuyến thì bệnh viện tuyến trên sẽ được hưởng lợi. Vì nguồn bệnh nhân sẽ đổ hết về tuyến trên nhưng đây là cái lợi trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích.
Giám đốc BV Chợ Rẫy cho rằng, khi bỏ giấy chuyển tuyến chỉ kéo theo lợi ích cho một cá nhân, cho một thời điểm nhất định nhưng sẽ gây ra nhiều hệ lụy, hệ thống y tế sẽ bị tê liệt về dài hạn.
Ông Thức cho rằng giải pháp căn cơ là y tế tuyến dưới phải đảm bảo chuyên môn, phải tạo niềm tin cho người dân. Khi người dân có niềm tin vào y tế cơ sở thì họ sẽ không việc gì phải đi đâu. Làm sao để có niềm tin thì cần cả một quá trình lâu dài.