Để tháo gỡ những ách tắc, tồn tại, hạn chế từ thực tiễn đặt ra, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua nhiều dự án luật, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024.
Theo đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang), việc sớm thi hành 4 luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện tại. Đặc biệt, các giải pháp về nguồn lực đất đai sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công.
Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều ưu điểm, trong đó có quy định bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bỏ khung giá đất, đồng nghĩa với việc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được tự quyết định Bảng giá đất mà không phụ thuộc vào giá đất tối thiểu-tối đa của khung giá đất. Điểm a khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024 nhấn mạnh, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, luật cũng quy định thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024…
Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều ưu điểm, trong đó có quy định bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bỏ khung giá đất, đồng nghĩa với việc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được tự quyết định Bảng giá đất mà không phụ thuộc vào giá đất tối thiểu-tối đa của khung giá đất. Điểm a khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024 nhấn mạnh, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, luật cũng quy định thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024…
Nhằm triển khai các điều chỉnh, quy định mới của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 nêu trên, mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung bảng giá đất mới trên địa bàn thành phố, áp dụng từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo đó, bảng giá đất điều chỉnh đem lại nhiều lợi ích khác nhau. Các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất, bao gồm các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân được công khai minh bạch và công bằng…
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 6, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều điểm mới được cho là sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trước đó.
Cụ thể, về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội. Theo đó, Điều 89 của Luật Nhà ở 2023 quy định, bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Đây là ưu điểm so với quy định trước đó.
Ngoài ra, luật cũng mở rộng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội. Cụ thể, luật bổ sung một nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đó là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp…
Chính sách này quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến nhu cầu bức thiết về lưu trú của công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay. Quy định mới giúp cải thiện điều kiện sống và giảm bớt khó khăn về nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản mới đã kịp thời thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước của Chính phủ và cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thông qua đó, giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, hành lang pháp lý mới trong luật này đã có những quy định góp phần nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Thông qua đó, giúp củng cố niềm tin của người dân và góp phần làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Cùng với đó, luật cũng tăng cường quy định đối với doanh nghiệp phát triển dự án, góp phần giảm bớt tình trạng “tay không bắt giặc”…
Một “trái ngọt” nữa trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Quốc hội đó là tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với 27,5 ngày làm việc, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét công tác lập pháp, trong đó đã thông qua 11 luật với nhiều điểm mới.
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này nhằm bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13…
Luật gồm 11 chương, 141 điều với một số điểm mới cơ bản như: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến một số nhóm đối tượng, như chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian…
Bên cạnh đó, luật cũng quy định việc mở rộng quyền lợi được thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người tham gia bảo hiểm xã hội ở một số nhóm đối tượng như: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách Nhà nước bảo đảm… Đây là những tiến bộ rất lớn, là những “trái ngọt” ban đầu của Quốc hội trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật theo tư duy lập pháp mới.
Nguồn: https://nhandan.vn/bai-3-giai-phap-nao-de-nhiem-vu-doi-moi-tu-duy-lap-phap-ngay-cang-dat-ket-qua-tot-hon-post844762.html