Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực song từ cuối năm ngoái đến nay, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản lại gặp nhiều khó khăn. Đâu là khó khăn đang tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này, thưa bà?
Bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) |
Xuất khẩu thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn và 5 tháng đầu năm đã giảm đến 28-29% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 3 nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy giảm này. Thứ nhất, ngoài tình hình lạm phá chung thì còn do thủy sản là một trong những mặt hàng thiết yếu. Do đó năm 2022, khi thị trường hồi phục trở lại thì các nhà nhập khẩu đổ xô vào nhập khẩu để dự trữ khiến lượng tồn kho rất cao. Cho đến nay, lượng tồn kho ở các thị trường chính còn rất nhiều, cộng với lạm phát khiến cho nhu cầu nhập khẩu và nhu cầu tiêu thụ của các thị trường đều sụt giảm so với năm 2022 và nhiều năm trước đó.
Yếu tố thứ hai là khả năng cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam bị tác động rất mạnh mẽ bởi các nước sản xuất khác là Ecuador và Ấn Độ. Họ có nguồn cung lớn và có giá thành sản xuất thấp hơn nhiều Việt Nam. Đặc biệt, tôm là mặt hàng chính trong nhóm hàng thủy sản thì đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ hai thị trường này ở tất cả các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ ba là “sức khỏe” tài chính và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy hải sản suy giảm rất nhiều bởi vì các chi phí sản xuất trong nước tăng, tiêu thụ chậm, chi phí lưu kho tồn kho tăng… dẫn đến việc vay vốn khó khăn vì các ngân hàng coi đó là rủi ro. Đó là nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm và xu hướng này có thể tiếp tục diễn biến trong thời gian tới.
Bên cạnh xuất khẩu, những năm gần đây, doanh nghiệp thủy sản đã có sự chuyển hướng sang thị trường nội địa. Sự phát triển tại thị trường nội địa đã mang lại những kết quả ra sao cho ngành, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn?
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản coi thị trường nội địa là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao thì cũng sẽ có chỗ đứng nhất định ở thị trường nội địa. Chính VASEP cũng có 1 câu lạc bộ doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội địa với 30 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có doanh thu ở nội địa chiếm 30-50% tổng doanh số.
Các mặt hàng chủ yếu đưa vào nội địa hiện nay là hàng giá trị gia tăng phù hợp với đặc thù của người dân Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc. Song nhiều mặt hàng đông lạnh thì khó tiếp cận được thị trường. Có một khó khăn đối với doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội địa nhiều năm nay là dù có dư địa lớn song việc tiếp cận vào các kênh bán lẻ truyền thống của thị trường nội địa rất khó. Vì hầu hết kênh bán lẻ lớn đều do doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài làm chủ nên hàng thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh ngay tại sân nhà. Hoặc câu chuyện liên quan đến chiết khấu tăng lên sau nhiều năm vẫn là khó khăn của doanh nghiệp tại thị trường nội địa.
Cho nên nhiều doanh nghiệp thấy rằng sau nhiều năm, xuất khẩu vẫn thuận tiện hơn, dễ thâm nhập hơn so với nội địa. Đó là điều ta cần nhìn lại để làm sao có giải pháp giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh tốt hơn thị trường nội địa, đặc biệt trong những bối cảnh đặc biệt như dịch bệnh hoặc khi thị trường xuất khẩu gặp khó.
Doanh nghiệp thuỷ sản còn rất nhiều tiềm năng ở thị trường nội địa |
Thị trường xuất khẩu được đánh giá là sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi thị trường trong nước thì lại được cho là còn nhiều tiềm năng. Bà có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp đã và sắp có kế hoạch phát triển tại thị trường nội địa?
Chúng tôi nhận thấy ỵok trường nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ với rất nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vì những yếu tố khách quan và chủ quan, do thói quen làm ăn kinh doanh theo hướng xuất khẩu nhiều hơn, cơ cấu sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhiều hơn.
Để mở đường cho doanh nghiệp muốn tiêu thụ tại nội địa, tôi có 1 vài khuyến nghị. Cụ thể, doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu vì mỗi thị trường đều có đặc thù khác nhau. Cần có thêm sự tìm hiểu về thói quen tiêu dùng với từng vùng miền. Doanh nghiệp thủy sản hiện tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam, nên để tiếp cận thị trường cần nghiên cứu từng vùng miền để có sản phẩm đưa vào từng thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tiếp cận sâu hơn các kênh bán lẻ phổ biến ở nhiều thị trường khác nhau, ở các khu dân cư để đưa hàng hoá tiếp cận với người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ hơn xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 và những đặc điểm của thị trường sau Covid-19 như giao dịch online phát triển hơn để có sự thâm nhập tốt hơn vào thị trường nội địa.
Thời gian tới, bà mong chờ gì từ những chính sách của các cơ quan chủ quản như Bộ Công Thương để hoạt động thương mại gặp thuận lợi hơn?
Tôi rất đồng tình với 2 từ khóa là truyền thông và kết nối. Từ góc độ của hiệp hội, chúng tôi đánh giá cáo Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa như Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhưng tôi thấy truyền thông còn chưa đủ sâu, chưa đủ mạnh để doanh nghiệp biết đến nhiều hơn các chương trình của Bộ, của Vụ.
Chúng tôi cũng có những chương trình kết nối cụ thể hơn với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để mở rộng thị trường trong nước cho doanh nghiệp thủy sản để tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận thị trường bán lẻ, tiếp cận với xu hướng tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp muốn quay lại với thị trường nội địa nhưng doanh nghiệp thuỷ sản, đặc biệt là ngành dược phẩm của VASEP cho rằng còn khó khăn khi tiếp cận với người tiêu dùng vì người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại hơn. Đó là những khó khăn mà chúng tôi mong chờ sẽ có được sự phối hợp với Bộ Công Thương để giải quyết. Chúng tôi cũng mong có thểm các chương trình kích cầu mạnh hơn, giảm thuế VAT để mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản.
Xin cảm ơn bà!