Công tác Hội ở cơ sở có mạnh hay không phụ thuộc phần nhiều vào những cán bộ đang công tác tại địa phương đó. Cán bộ nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sẽ góp phần định hướng cho hội viên thực hiện tốt các phong trào, chủ trương lớn do Hội đề ra. Do đó, nâng cao chất lượng cán bộ Hội phụ nữ các cấp là yêu cầu cần thiết và luôn đúng trong mọi giai đoạn.
Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo
Bà Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh khẳng định: Đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng; luôn đoàn kết, không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực; nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác Hội và phong trào phụ nữ cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 – 2025”, từ năm 2020 đến nay, đã giúp cán bộ Hội cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ. Nội dung bồi dưỡng ngoài chú trọng kỹ năng tuyên truyền, lý luận chính trị, các cấp Hội đã lựa chọn những chuyên đề cụ thể phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn, đi sâu vào nghiệp vụ tổ chức sinh hoạt, kỹ năng quản lý, tập hợp, thu hút hội viên. Đặc biệt, chú trọng đến công tác nắm bắt thông tin tình hình của phụ nữ và trẻ em, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động…
Tuy nhiên khó khăn, hạn chế hiện nay là đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở do đa dạng về trình độ, độ tuổi, thâm niên công tác nên chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong xây dựng kế hoạch, định hướng các hoạt động. Thiếu linh hoạt, chưa thích ứng với tình hình để giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm… Cộng thêm chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách, chi/tổ hội chưa tương xứng với những nhiệm vụ đang thực hiện. Hay điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc chưa được trang bị đầy đủ, đặc biệt là máy vi tính để ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ…
Tạo điều kiện để cán bộ Hội phát huy khả năng
Trong tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Hội LHPN các cấp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả” năm 2023, do Hội LHPN tỉnh tổ chức, nhiều địa phương đã tham gia nhiều ý kiến, đề xuất cũng như kinh nghiệm thực tế.
Ông Lê Văn Toàn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Linh chia sẻ: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy hết sức quan tâm, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII đã cơ cấu chức danh Chủ tịch Hội LHPN huyện là Huyện ủy viên. Đồng thời, chỉ đạo cơ sở cơ cấu chủ tịch hội phụ nữ cơ sở là cấp ủy viên (hiện 7/12 chủ tịch cơ sở hội là cấp ủy viên) để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Hội…
Đảng ủy phường Phước Hội (thị xã La Gi) cũng cho rằng cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội để nâng cao trình độ, năng lực công tác, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Song song đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo nghề; giải quyết việc làm, khuyến khích hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… Còn theo Hội LHPN xã Đức Thuận (Tánh Linh) thì cần được trang bị kiến thức về pháp luật chính sách phụ nữ và hướng dẫn các kỹ năng như tư vấn, giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ trong cộng đồng, giao tiếp, thuyết phục, quản lý, sáng tạo. Có vậy mới thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập hợp và bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong xã hội…
Với những giải pháp cụ thể, cùng sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động, hy vọng công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh có những chuyển biến tích cực, phù hợp với giai đoạn hiện nay.