Theo UBND huyện Thới Bình, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với bảo vệ sức khoẻ con người được quan tâm chỉ đạo. Qua đó, nhận thức của Nhân dân được nâng lên đáng kể, nhiều xã thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải. Có 10/11 xã đã đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm, đạt 90,9%.
Nhân ngày Chủ nhật xanh (19/3), Huyện đoàn Thới Bình tổ chức đổi rác lấy quà, lan toả thông điệp phân loại, tái chế rác thải bảo vệ môi trường. |
Riêng kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, về tiêu chí Chất lượng môi trường sống, có 1/11 xã đạt. Các nội dung chưa đạt là tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (>55%), tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững (>40%).
Ðối với việc xây dựng tiêu chí Chất lượng môi trường sống trong xây dựng huyện NTM, theo đánh giá của UBND huyện, đến thời điểm hiện tại, địa phương đạt 3/5 nội dung. Còn 2 nội dung chưa đạt là: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (>33%) và Có kế hoạch/đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn.
Theo ngành tài nguyên và môi trường huyện Thới Bình, thực tế cho thấy việc xây dựng và hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM và hoạt động bảo vệ môi trường sống tại địa phương gặp khó khăn. Ngoài yếu tố quan trọng là nguồn vốn đầu tư thì ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế là điều cần nhìn nhận.
Ðơn cử như còn một số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, hạn chế trong công tác BVMT, nhất là các biện pháp xử lý mùi hôi và nước thải phát sinh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải nhưng vẫn còn tình trạng xử lý chưa đúng quy định, nước thải xả trực tiếp hoặc không xử lý trước khi đưa ra môi trường, từ đó gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Một bộ phận dân cư chưa có ý thức cao trong BVMT.
Người phụ trách lĩnh vực môi trường ở cấp xã thường kiêm nhiệm, do đó việc quản lý, kiểm tra, giám sát và tham mưu thực hiện công tác BVMT theo chức năng, nhiệm vụ chưa kịp thời. Việc xử lý các hành vi vi phạm về BVMT của UBND các xã, thị trấn đôi lúc chưa thực sự chặt chẽ, thiếu quyết liệt, chủ yếu chỉ dừng ở mức giáo dục, nhắc nhở. Trong công tác xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT đối với các cơ sở SXKD gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, vì phải phối hợp với đơn vị có chức năng thu mẫu phân tích các chỉ tiêu về môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình, cho biết: “Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn, đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp với thực tế địa phương để sớm hoàn thành tiêu chí môi trường”.
Trước mắt, sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cá nhân, tổ chức SXKD thực hiện đúng các quy định về BVMT. Thường xuyên kiểm tra về công tác BVMT đối với các cơ sở SXKD thuộc đối tượng đăng ký môi trường, các hộ nuôi thuỷ sản, làng nghề.
Huyện sẽ chủ động thành lập các đội/tổ thu gom rác thải và xây dựng phương án mở rộng các tuyến thu gom rác trên địa bàn xã. Xây dựng các lò đốt rác thải cụm dân cư, tuyến dân cư, khu vực người dân không có điều kiện làm hố rác hộ gia đình, xe thu gom rác. Tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, vận động người dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà và trồng hàng rào cây xanh.
“Ðịa phương đã có kế hoạch nhân rộng các mô hình về BVMT như: phân loại rác, đoạn đường không rác, nông dân chung tay BVMT, tự quản về BVMT tại các ấp… và các hoạt động BVMT khác như: thực hiện tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa, dọn dẹp cảnh quan xung quanh nhà, phát quang bụi rậm…”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm./.
Văn Ðum