Thủy sản đang là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong những gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước đã chú trọng nhiều hơn tới việc đầu tư cho công nghệ. Điều này đã giúp tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu lọt vào top 5 các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới vào năm 2030, theo các chuyên gia, ngành thủy sản Việt Nam cần tiếp tục đầu tư hơn nữa cho chế biến sâu.
Chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) Ảnh Nhựt An – TTXVN
Xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm ngoái.
Trừ nhuyễn thể có vỏ có kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp hơn, các sản phẩm chính trong tháng 11 đều có kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%…
VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản, cho dù đã khởi sắc, nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này có thể kéo dài sang cả năm 2024.
Chẳng hạn, đối với tôm – một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tính đến cuối tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Đề cập tới nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu khó khăn khiến nhu cầu đối với các loài giáp xác nói chung và đối với tôm nói riêng đã giảm đáng kể. Điều này khiến cho thị trường tôm trên thế giới rơi vào tình trạng dư cung. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu tôm đã cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá bán, khiến cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
Tăng sức cạnh tranh bằng chế biến sâu
Trong Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra mục tiêu “phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030”.
Chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá (Thanh Bình, Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An – TTXVN
Ông Trần Đình Luận, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, cho rằng đề án trên nhằm mục tiêu giúp Việt Nam đạt vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Mục tiêu này không chỉ dừng lại ở việc tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ tỉnh này hiện có 3.190 tàu cá, với sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hàng năm đạt 95.000 tấn. Các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt trên 64 thị trường trên thế giới và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Mặc dù vậy, việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn và hạn chế. Cụ thể, thị trường đầu ra một số sản phẩm thủy sản chưa thật sự ổn định, sản phẩm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, đông lạnh mà chưa có thực phẩm chế biến sâu, ngành nuôi biển của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, nhất là thủy sản nuôi chưa mang tính bền vững.
Trong bối cảnh đó, ông Trần Đình Luận đề xuất: “Để đạt được mục tiêu trên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong tương lai, ngành thủy sản của Việt Nam có thể không chỉ nổi bật về số lượng xuất khẩu mà còn về chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cũng như nền kinh tế quốc gia”.
Về phần mình, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nhằm đảm bảo thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ông Trần Đình Luận nói Việt Nam đang hướng tới việc trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ việc tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị – một thách thức lớn cho cả ngành và đặc biệt là cho các nhà quản lý Nhà nước. Việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để tận dụng được những lợi thế sẵn có, đón đầu cơ hội từ thị trường thủy sản để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ông Trần Văn Hào, Trợ lý Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, kêu gọi cần nỗ lực chống lại tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đồng thời định hướng theo các tiêu chuẩn bền vững./.
Hoàng Hà