Loạt ngân hàng lãi lớn mảng kinh doanh ngoại hối
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ cuối năm 2023 đến hết tháng 6.2024, tỉ giá USD/VND có xu hướng tăng khá mạnh. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tỉ giá đồng USD/VND tăng 5,64%. Tận dụng việc tỉ giá tăng mạnh, hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra sôi động.
Trong báo cáo tài chính tổng kết 6 tháng đầu năm 2024 vừa công bố của loạt ngân hàng, mảng kinh doanh ngoại hối đem lại các khoản lãi lớn, tăng trưởng mạnh so với các giai đoạn trước.
Tại BIDV, lũy kế nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho ngân hàng này khoản lãi thuần lên tới 3.191 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Tương tự, tại LPBank, lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt gần 193 tỉ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Tại Agribank, 6 tháng đầu năm 2024, mảng kinh doanh ngoại hối có khoản lãi đạt 2.029 tỉ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Hay như Techcombank, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý II/2024 cũng đạt hơn 411 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỉ đồng. Ngoài ra, một số cái tên ghi nhận lãi từ mảng kinh doanh này như MB, ACB, HDBank, ABBank, VietABank…
Tỉ giá sẽ ra sao trong nửa cuối năm?
Theo báo cáo vĩ mô mới nhất, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, áp lực tỉ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300 – 25.700VND/USD trong nửa sau của năm 2024.
Nhóm phân tích của MBS cho biết, có các yếu tố tích cực tác động tỉ giá như: Thặng dư thương mại tích cực (gần 10 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2024), dòng vốn FDI (10,8 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 58% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024).
Đồng quan điểm, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, có cơ sở để đồng USD không tiếp tục leo thang trong nửa cuối năm 2024. “Mặc dù lo ngại về rủi ro vẫn hiện hữu trong nửa cuối năm 2024, song dự báo USD ổn định trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ” – nhóm phân tích nêu.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế – cho biết: “Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan cho nửa năm sau nếu FED quyết định hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỉ giá USD/VND, lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác. Ở chiều ngược lại, nếu FED dưới sức ép của Đảng Cộng hòa hoãn lại việc giảm lãi suất thì nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam được dự báo, trong đó có việc tỉ giá và lạm phát tăng và những tác động bất lợi cho đầu tư nước ngoài”.
Thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng ở Việt Nam sẽ làm tăng rủi ro tỉ giá hối đoái
ThS Lê Vũ Thanh Tâm – Viện Kinh tế Tài chính – cho biết, lãi suất và tỉ giá thị trường có mối quan hệ tác động qua lại, đồng thời chịu sự tác động của nhiều yếu tố đan xen, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Để điều hành tỉ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, theo thạc sĩ Tâm, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng chính sách hối đoái (mua bán ngoại tệ trong các phiên giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng), áp dụng chính sách lãi suất ngoại tệ giới hạn, tỉ giá trung tâm và biên độ cùng một số công cụ khác. Tiếp tục hoàn chỉnh thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, để qua đó Ngân hàng Nhà nước có thể nắm được mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ, đồng thời thực hiện biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Trước mắt cần có những biện pháp thúc đẩy các ngân hàng kinh doanh ngoại tệ tham gia vào thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, đồng thời phải củng cố và phát triển thị trường nội tệ liên ngân hàng với đầy đủ các nghiệp vụ hoạt động, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước điều hòa phối hợp giữa hai khu vực thị trường nội tệ và thị trường ngoại tệ một cách thông thoáng.
Ngoài ra, Nhà điều hành cần tăng cường công tác truyền thông nhằm ổn định tâm lý thị trường, đặc biệt trong các thời kỳ biến động để ổn định tâm lý trên thị trường ngoại hối, qua đó nâng cao uy tín điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng định hướng, dẫn dắt thị trường ngoại tệ.
ThS Lê Thị Bích Ngọc – Học viện Tài chính – đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu, bởi nó phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Hai là, cần có phản ứng chính sách chính xác, kịp thời nhưng liều lượng, mức độ điều chỉnh tỉ giá, lãi suất không làm tạo ra những cú sốc kinh tế vĩ mô, làm bất ổn thị trường tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, cần cập nhật và công bố kịp thời lãi suất cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam, để cho lãi suất cơ bản làm đúng vai trò, ý nghĩa của nó trong lĩnh vực điều hành chính sách tài chính, tiền tệ.
Nguồn: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/giai-phap-dieu-hanh-ti-gia-linh-hoat-on-dinh-thi-truong-ngoai-te-1377923.ldo