TS. HỒ THANH TÂM
(Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ)
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) đáp ứng sự nghiệp CNH, HÐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29) là cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển mạnh mẽ. TP Cần Thơ được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL; là trung tâm của vùng ở các lĩnh vực, trong đó có GD&ÐT. Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 của quốc gia với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững, tạo cơ hội để thúc đẩy phát triển GDNN, hình thành những ngành nghề đào tạo mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Cần Thơ ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Ảnh: B.NGỌC
Trường Cao đẳng Cần Thơ có bề dày truyền thống 47 năm hình thành và phát triển, với nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chính quy và liên thông đại học. Hiện tại, trường có 23 ngành bậc cao đẳng, 14 ngành bậc trung cấp và 3 ngành bậc sơ cấp. Ðảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định phát triển trường ổn định, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL. Từ quan điểm này, lãnh đạo nhà trường thực hiện 4 giải pháp tiêu biểu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở trường. Ðó là, tập trung triển khai thực hiện và hoàn thiện các quy chế, quy định trong mọi hoạt động của nhà trường; hoạt động đào tạo đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt, “mở” và chất lượng; tăng cường gắn kết giữa nhà trường với thị trường lao động và việc làm bền vững; tăng cường công tác truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Trong số đó, nhà trường quan tâm nhiều đến giải pháp hoạt động đào tạo đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt, “mở” và chất lượng. Trường đa dạng hóa các mô hình, hình thức, loại hình đào tạo, trình độ đào tạo; thực hiện phương châm vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Phát triển mạnh mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực hiện nhằm thích ứng với nguồn lao động trong các doanh nghiệp. Phát triển hình thức đào tạo trực tuyến, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại nhà trường và doanh nghiệp. Phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn đầu ra.
Nội dung chương trình đào tạo không chỉ chú trọng về kiến thức, hình thành thái độ, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn hướng tới hình thành kỹ năng thích ứng cho người lao động nhằm đáp ứng sự thay đổi công nghệ, thay đổi nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tích hợp đánh giá kỹ năng nghề cho người học khi tốt nghiệp ra trường. Ðổi mới phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đào tạo, mô phỏng hóa các bài giảng, các thiết bị giảng dạy; đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực của người học. Từng bước hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng thông minh trong quản lý và hoạt động đào tạo; đẩy mạnh số hóa các tài liệu, chương trình, giáo trình đào tạo; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học, số hóa, mô phỏng hóa các hoạt động đào tạo trong nhà trường. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả đảm bảo người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm góp phần nâng cao năng lực người học thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Tiếp đến là giải pháp tăng cường gắn kết giữa nhà trường với thị trường lao động và việc làm bền vững. Trường gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động trên cơ sở trách nhiệm xã hội và lợi ích giữa các bên có liên quan. Xây dựng cơ chế để doanh nghiệp chia sẻ, cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng, trình độ, kỹ năng của người lao động cần có đối với doanh nghiệp để nhà trường có cơ sở tổ chức tuyển sinh, đào tạo đáp ứng nhu cầu. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường công tác hợp tác và gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp vào trong nhà trường trong từng ngành nghề phù hợp để doanh nghiệp có thể chia sẻ, hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị cho nhà trường thực hiện công tác thực hành, thực tập, thực tế và tham gia giảng dạy cho người học.
Trong 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 29 được ban hành đến nay, nhà trường tiến hành triển khai nghị quyết đến từng giảng viên viên chức, xây dựng kế hoạch thực hiện đưa nghị quyết vào từng nội dung hoạt động của các đơn vị trực thuộc trường; qua đó, mỗi đơn vị đề ra giải pháp đổi mới, cải tiến các phương pháp thực hiện trong từng vị trí công tác và giảng dạy đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của trường, ngành và địa phương. Từ năm 2013 đến nay, trường đã đào tạo hơn 14.000 sinh viên chính quy tốt nghiệp ra trường, trong đó có hơn 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Hiện nay, trường đã ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề đang đào tạo tại trường. Ðội ngũ nhà giáo có trình độ sau đại học của trường đạt trên 85%; tỷ lệ tuyển sinh hàng năm đạt từ 85% đến 105%, sinh viên tốt nghiệp đạt 90% đến 95%, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm từ 80% đến 83%.
Ðảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm, công tác giáo dục nói chung và GDNN nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh xu thế tự động hóa, số hóa, chuyển đổi số và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Các cơ sở giáo dục nói chung và Trường Cao đẳng Cần Thơ nói riêng đã có nhiều giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động để ổn định cơ cấu nguồn lao động trong mọi lĩnh vực của xã hội, đáp ứng với xu thế phát triển chung của quốc gia và hội nhập quốc tế.