Hôm qua 22.7, Phó tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cảnh báo hàng triệu người có nguy cơ bị đói nếu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine, hai nhà xuất khẩu lớn, không được gia hạn. Reuters dẫn lời vị quan chức cho hay giá lương thực toàn cầu trong tuần này đã tăng mạnh, đe dọa làm tan biến thành quả khó khăn mới có được sau hơn một năm qua.
Yêu cầu của Moscow
Dưới sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đạt thỏa thuận hồi tháng 7.2022 trong việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine ở biển Đen, giúp hạ nhiệt cơn sốt giá lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa thuận hết hiệu lực vào đầu tuần này sau khi Nga thông báo không gia hạn. Liên tục vài ngày tiếp sau đó, Nga tấn công các cảng của Ukraine thuộc phạm vi của thỏa thuận, cáo buộc nước này sử dụng các cơ sở đó để hỗ trợ hoạt động quân sự, theo Hãng thông tấn TASS.
Một trong những lý do khiến Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận là vì những rào cản đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước này. Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga tuyên bố chỉ tái gia hạn thỏa thuận nếu như những điều kiện của Moscow được đáp ứng. Theo Đài RT, các yêu cầu chính của Nga là tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, khởi động một đường ống amoniac quan trọng, cho phép Nga nhập khẩu phụ tùng, máy móc nông nghiệp và yêu cầu liên quan việc bảo hiểm vận tải và hậu cần.
Kế hoạch của hai bên
Cùng ngày 22.7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này sẽ tìm những phương án thay thế để tiếp tục xuất khẩu nông sản và phân bón, hỗ trợ những nước có nhu cầu.
Tờ Financial Times dẫn nguồn tin tiết lộ Nga đã đề xuất bán ngũ cốc cho Qatar để nước này vận chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi phân phối lại cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đều không đồng ý với kế hoạch này. Các bên liên quan chưa bình luận gì về thông tin trên.
Theo số liệu của LHQ, trong vòng 1 năm qua, sáng kiến biển Đen đã giúp xuất khẩu gần 33 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng của Ukraine đến 45 nước, được chuyên chở trên hơn 1.000 tàu. Thỏa thuận cũng giúp Chương trình Lương thực thế giới chuyển hơn 725.000 tấn lúa mì cho việc viện trợ các nước Afghanistan, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen.
Trong khi đó, Ukraine đã gợi ý kế hoạch riêng mà không cần Nga tham gia, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia hộ tống các tàu chở ngũ cốc tại biển Đen. Ngày 21.7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về “nỗ lực phối hợp” trong việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc. Tổng thống Erdogan trước cuộc điện đàm tuyên bố sẽ “không do dự” thực hiện biện pháp chủ động để ngăn chặn những tác động gây hại từ việc thỏa thuận hết hiệu lực. Mặt khác, ông Erdogan cũng kêu gọi phương Tây nên cân nhắc những yêu cầu của Nga và cảnh báo về các hậu quả như giá lương thực tăng cao, khan hiếm lương thực dẫn đến những làn sóng di cư mới, Reuters đưa tin.
Bình luận về kế hoạch của Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho rằng để Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu chở ngũ cốc qua biển Đen không phải là phương án khả thi mà là “lựa chọn nguy hiểm”. Ông nhấn mạnh việc Nga có quay lại thỏa thuận ngũ cốc hay không là tùy thuộc vào “các đối tác nước ngoài”. Mặt khác, nhà ngoại giao nói hiểu được lo ngại của các nước châu Phi sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận với Ukraine, đồng thời cam kết sẽ đưa ra kế hoạch cung cấp ngũ cốc tại hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi vào cuối tháng 7 tại TP.Saint Petersburg (Nga).