Chiều muộn 24.6, ngay sau phiên bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo thông báo kết quả kỳ họp 5 Quốc hội khóa XV.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức được nhiều đại biểu thảo luận, cho đây là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.
Tuy nhiên, tại nghị quyết chung của kỳ họp vừa được thông qua, Quốc hội chỉ yêu cầu sớm ban hành quy định về bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung thì liệu có đủ để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ hiện nay hay không?
Trả lời câu hỏi, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, nói đây là lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong nghị quyết chính thức về vấn đề này.
Ông An dẫn nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đánh giá, tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội.
“Đây là nhận định rất trực diện, không né tránh”, ông An nhìn nhận, và cho rằng, việc Quốc hội yêu cầu sớm ban hành văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là cần thiết để giải quyết tình trạng nói trên.
Ông An cũng cho biết, quan điểm cá nhân của ông là cần áp dụng cách thức quản trị như của doanh nghiệp trong cơ quan nhà nước, theo nguyên tắc ai làm tốt thì thưởng, ai làm không tốt thì phạt.
Trao đổi thêm, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói, tại nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội không chỉ yêu cầu ban hành quy định bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà còn nhiều giải pháp. Cụ thể, Quốc hội đã yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xem vướng mắc, chồng chéo, sơ hở, bất cập ở đâu.
“Anh cứ bảo luật chồng chéo, vướng mắc nên không làm, không dám tham mưu thì giờ rà soát lại xem vướng mắc ở đâu, mâu thuẫn ở đâu, phải chỉ rõ”, ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, Quốc hội còn yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm…
“Giải pháp như thế rất là mạnh, tương đối đầy đủ, hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức”, ông Cường nói.