Kể từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng đã trở thành một “điểm nóng” bởi sự biến động mạnh trên thị trường thế giới. Giá vàng trong nước có thời điểm chênh tới 20 triệu đồng so với giá vàng thế giới.
Việc chênh lệch giá vàng cao có thể dẫn đến các tình trạng tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, thất thoát ngoại tệ hay mất cân đối cán cân thanh toán.
Trước tình trạng chênh lệch giá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản liên quan về quản lý thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới bằng cách bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) và công ty SJC bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định. Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế nhận định, phương án này bước đầu có hiệu quả nhất định.
Kể từ ngày đầu áp dụng phương án bình ổn thị trường vàng mới (ngày 3.6.2024), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đã giảm chỉ còn 4-5 triệu đồng/lượng.
Những vấn đề tồn đọng
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Long cho biết sự thành công trong điều chỉnh giá vàng có bền vững hay không thì phải xét thêm 3 tồn tại lớn.
Thứ nhất, trên thị trường hiện nay tồn tại hai loại giá là giá của nhà nước và giá “chợ đen” – giá của các loại vàng miếng được giao dịch tự do. Giá vàng “chợ đen” có thời điểm đã chênh lệch so với các đơn vị thực hiện bình ổn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Điều này dẫn đến những bất ổn khi có hiện tượng người dân xếp hàng mua gom vàng để hưởng chênh lệch.
Thứ hai, nhập khẩu vàng chính ngạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhưng là một giải pháp tình thế trong ngắn hạn, không phải là giải pháp ổn định thị trường trong lâu dài. Thực tế, việc nhập khẩu vàng và bán cho người dân có thể khiến cho lượng vàng nằm bất động trong dân, không chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
“Trong điều kiện của chúng ta, nếu tiếp tục tung vàng ra để bán bước đầu có thể là bình ổn theo mục tiêu của Chính phủ nhưng dễ tồn tại nguy cơ dẫn đến vàng hóa thị trường” – PGS.TS Long nói.
Thứ ba, giải pháp trên của NHNN chưa giải quyết được nhu cầu mua vàng thực chất của người dân. Nhiều người dân muốn mua nhưng không thể mua vàng. Nếu áp dụng biện pháp này để bình ổn thị trường bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng tỷ giá và lạm phát.
Hướng đi nào cho câu chuyện bình ổn giá vàng
Theo PGS.TS Long, để giá vàng trong nước được bình ổn, Chính phủ cần cấp tốc sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi cần đề cập toàn diện hơn đến các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến vàng chứ không chỉ đơn thuần là quản lý vàng miếng và vàng trang sức.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần trả lại sản xuất kinh doanh vàng miếng cho các đơn vị. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai sản phẩm phái sinh.
Giải pháp cuối cùng là phải chống vàng hóa bằng cách chuyển hướng giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Điều này sẽ hạn chế chi phí nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Giá vàng hôm nay ngày 5.7
Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank bán ra mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh hiện cũng được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn 9999 của thương hiệu này niêm yết ở mức 74,4 triệu đồng/lượng mua vào và 76 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 250.000 đồng ở cả 2 chiều.
Còn thương hiệu DOJI, giá vàng miếng đang mua vào – bán ra lần lượt ở mức 75,3 triệu đồng/lượng – 76,98 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, DOJI niêm yết giá vàng nhẫn 9999 tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức 74,9 và 76,35 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 200.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/giai-phap-ban-vang-qua-ngan-hang-hieu-qua-nhung-van-con-ton-dong-1361450.ldo