Việc không tuyển đủ giáo viên giảng dạy ảnh hưởng không nhỏ đối với việc thực hiện chương trình GDPT 2018. nhiều trường thiếu giáo viên dạy môn học chương trình GDPT 2018 như: âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhưng lại thừa giáo viên dạy đơn môn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa-thiếu giáo viên
Để giải quyết tận gốc vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ này, ngành giáo dục cần xác định nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó mới có giải pháp phù hợp.
Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu là ở vùng miền núi, hải đảo vì điều kiện đời sống khó khăn, công tác xa nhà nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đảm bảo nhu cầu cuộc sống nên nhiều giáo viên nghỉ việc đó là lý do chính.
Một số thầy cô lớn tuổi không theo kịp với sự đổi mới của chương trình, công nghệ, áp lực công việc về hồ sơ sổ sách, vô số phong trào cuộc thi đã chiếm nhiều thời gian giảng dạy của thầy cô nên không ít giáo viên đã xin nghỉ việc.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm chưa kịp đào tạo giáo viên dạy chương trình mới, nhất là đối với những môn tích hợp: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nghệ thuật…
Tiếp đến, thầy cô nghỉ việc vì chế độ tiền lương không đủ sống, dù Nhà nước có thực hiện tăng lương cơ bản hàng năm theo lộ trình từ 1.7, nhưng thật sự tỷ lệ phần trăm tăng lương đó không theo kịp nhịp điệu tăng giá hàng hóa.
Với mức lương khởi điểm từ 1.7 là 4.212.000 đồng/giáo viên THCS hạng III, thì dù ở đô thị hay miền núi không thể nói giáo viên “sống được bằng lương”, chính vì vậy nhiều thầy cô rời bục giảng là điều không thể tránh khỏi.
Cũng chính vì lương không đủ sống nên rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không thiết tha phải xin làm nghề “gõ đầu trẻ”. Chỉ tiêu tuyển mới giáo viên hàng năm rất thấp so với nhu cầu. Nhiều địa phương nhiều năm liền không có chỉ tiêu tuyển mới giáo viên.
Trong một trường hợp cụ thể, sinh viên Nguyễn Phú Lâm, tốt nghiệp loại xuất sắc, thủ khoa ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Huế năm 2020, gần 3 năm nay vẫn chưa xin được đi dạy. Nguyên nhân là địa phương Khánh Hòa nhiều năm nay không có chỉ tiêu tuyển giáo viên THPT, dù Lâm thuộc đối tượng xét tuyển theo Nghị định 140 năm 2017 của Chính phủ về thu hút nhân tài.
Đề xuất giải pháp
Bài toán thiếu giáo viên và giữ chân nhà giáo gắn bó lâu dài với bục giảng cần phải có lời giải cùng sự quyết tâm thực hiện từ các cấp quản lý đến từng cơ sở giáo dục. Dưới đây là một số đề xuất nhằm giải bài toán giữ chân nhà giáo:
Lương thưởng và chế độ đãi ngộ nhà giáo cần những chuyển biến tích cực để người cầm phấn yên tâm đứng trên bục giảng mà bớt đi nỗi lo canh cánh về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cột chặt khoản chi tiêu eo hẹp. Sau bao nhiêu năm, lời hứa người thầy sống được bằng lương, sống ổn bằng lương vẫn chưa hiện hữu.
Vì thế, Bộ Tài chính cần kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn ngân sách nhà nước để tăng lương cho giáo viên, đảm bảo thầy cô thật sự sống được bằng lương. Đồng thời, nhà nước cần có chế độ thỏa đáng cho giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác nhất là đối với giáo viên mới vào nghề lương rất thấp.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần xây dựng quy định về luân chuyển giáo viên, điều chuyển giáo viên từ địa phương thừa đến địa phương thiếu, trường này đến trường khác đi kèm với chế độ trợ cấp tương xứng, giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến bất cứ nơi đâu để giảng dạy mà không canh cánh trong lòng nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền!
Đồng thời, các địa phương, sở GD-ĐT phải nắm được việc tăng giảm học sinh, thừa thiếu giáo viên hàng năm nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM do tăng dân số cơ học gây áp lực lớn lên ngành giáo dục để tham mưu các cấp có kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất, xây thêm trường học, cân đối nhu cầu tuyển giáo viên kịp thời.
Bộ Nội vụ, có trách nhiệm giao đủ, đúng biên chế giáo viên, thiếu giáo viên bộ môn nào thì tuyển giáo viên bộ môn phù hợp với chuyên môn giảng dạy của trường, địa phương thiếu và cũng không phải thực hiện việc giảm 10% biên chế ngành giáo dục hàng năm theo lộ trình vì đặc thù riêng của ngành và tình hình thừa thiếu giáo viên hiện nay.
Ngành giáo dục nên rà soát và giảm áp lực cho người thầy thoát khỏi những nhiệm vụ ngoài chuyên môn giảng dạy và giáo dục. Hiện giáo viên phải quay cuồng với nhiều nhiệm vụ: thi giáo viên giỏi, soạn hồ sơ sổ sách, kết nối với phụ huynh, uốn nắn đạo đức học sinh, tập huấn đổi mới phương pháp, tự học bồi dưỡng thường xuyên và thậm chí là thu tiền giữ xe đạp, vận động học sinh tiêm phòng, báo cáo tiến độ nộp các loại quỹ…
Ngoài ra, xã hội đang khe khắt nhìn nhận đội ngũ nhà giáo với cái nhìn thiếu thiện cảm. Một vài biểu hiện lệch lạc, một vài cá nhân có hành vi sai trái nhanh chóng bị dư luận quy kết và quy chụp lên tất cả đội ngũ nhà giáo chân chính khiến lòng người bị tổn thương. Trách nhiệm dạy chữ – dạy người gian khó lại thiếu hụt sự thấu hiểu và đồng hành của phụ huynh làm người thầy dần co mình lại trên hành trình uốn tâm hồn, rèn nhân cách của người học.
Ngành giáo dục cần triển khai hiệu quả bộ quy tắc ứng xử học đường để thầy-trò vẹn nguyên lòng tương kính và tri ân, nhà giáo-phụ huynh gắn kết và đồng hành trên con đường giáo dục trẻ, nhà trường-gia đình-xã hội vẫn là ba chân kiềng vững chắc đưa trẻ cập bến tri thức, năng lực và phẩm chất. Ngành giáo dục và các ban ngành liên quan cần nhìn nhận một cách thấu đáo những lực cản trên sự nghiệp “trồng người” để gỡ từng nút thắt, cởi trói áp lực vô hình đang bủa vây nghề giáo…