(Dân trí) – Tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thuộc trường phái Kiến trúc Đông Dương điển hình, là công trình kiến trúc đồ sộ từ mọi góc nhìn, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng.
Quần thể tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tại 13-15 Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có phân khu chức năng cũng rõ ràng, bố cục chặt chẽ, đăng đối. Mặt bằng các tòa nhà được tổ chức rất khúc triết và đơn giản, đủ cho khoảng 500 sinh viên cùng học tập.
Ảnh chụp toàn cảnh mặt sau tòa nhà chính.
Tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard (1875-1933), vốn là sinh viên tại trường ĐH Mỹ Thuật Paris. Ông nổi tiếng với việc quy hoạch cải tạo thành phố Hy Lạp Thessaloniki sau trận hỏa hoạn năm 1917 bằng cách giữ lại phần kiến trúc Byzantyne và bổ sung phong cách Châu Âu.
Đại sảnh mặc dù diện tích không thật lớn nhưng với chiều cao thông đến tận mái vòm, các điểm giao tiếp với các chức năng khác rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt các vách kính trang trí vừa lấy sáng, vừa như một tác phẩm nghệ thuật trong xử lý chi tiết, đã tạo nên một không gian khánh tiết đậm chất “thánh đường khoa học”.
Hàng chục cột đỡ và một hành lang vòng tròn quanh phần mái vòm.
Phần mái vòm tròn.
Mái vòm được vẽ các họa tiết trang trí.
Tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do E. Hébrard thiết kế đã khởi phát trường phái Kiến trúc Đông Dương nổi tiếng cùng Nhà thờ Cửa Bắc (1930), Trụ sở Sở Tài chính (tức Bộ Ngoại giao cũ, 1931), mà đỉnh cao là Tòa Viễn Đông Bác Cổ (1925).
Hành lang và những cột trụ kiến trúc kiểu châu Âu.
Hệ thống vì kèo thép, bên ngoài lợp ngói truyền thống và hệ thống dầm bê tông.
Các ô cửa kính lấy ánh sáng cao 3-4m chạy dọc theo cầu thang tầng một.
Thiết kế tòa nhà sử dụng khuôn mẫu kiến trúc các trường đại học đầu thế kỷ 20 theo trường phái Tân Cổ Điển. Các không gian mở sảnh thông tầng, cầu thang rộng một vế hướng tới các không gian chức năng đặc thù như giảng đường lớn 200 chỗ, thư viện, bảo tàng Sinh học…
Một cầu thang gỗ nhỏ hẹp để lên hành lang vòng quanh mái vòm.
Trong quá trình hoàn chỉnh thiết kế và bắt đầu xây dựng, E. Hébrard đã có những thay đổi đáng kể, ông đã đưa vào khá nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông. Các giải pháp về bộ mái ngói nhiều lớp theo hình thức bát giác và giữa các lớp mái trổ các cửa sổ nhỏ trang trí hoa văn cùng với các hàng con-sơn đỡ mái. Ảnh chụp cấu tạo đỉnh mái vòm bên trong và bên ngoài.
Giảng đường lớn (nay mang tên GS. Ngụy Như Kon Tum) cũng là một thành công với những giải pháp kinh điển về xử lý độ dốc, điểm nhìn và âm học. Đặc biệt về nội thất có bức tranh tường hoành tráng của Victor Tardieu, mô tả sinh hoạt tại Hà Nội đầu thế kỷ XX với 200 nhân vật đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau.
Bộ khung ghế được làm hoàn toàn bằng sắt uốn.
Ngoài hệ thống cầu thang gỗ còn có thang sắt xoắn tròn lên tầng thượng.
Hành lang được lát gạch hoa 20 x 20cm cùng các cửa sổ 2 lớp, ngoài chớp trong kính.
Khu nhà vệ sinh nằm biệt lập ở khu vực sân trường, có thiết kế kiểu bát giác.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/giai-mat-kien-truc-tuyet-dep-ben-trong-truong-dai-hoc-tong-hop-ha-noi-20241113024943119.htm#&gid=1&pid=3