Yury Knutov, nhà sử học quân sự và nhà bình luận chính trị Nga, nhận định với Sputnik rằng, máy bay cảnh báo trên không Beriev A-50 đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống phòng không của Nga trong việc bắn hạ 24 máy bay chiến đấu của Ukraine.
Theo ông, Nga có thể đã sử dụng hệ thống phòng không tầm xa S-400 hoặc S-300, phối hợp với Beriev A-50 để phá hủy máy bay Ukraine.
“Nhờ khả năng bay cao, A-50 có thể phát hiện các máy bay của đối phương cất cánh từ các sân bay quân sự bí mật hoặc các sân bay đã đóng cửa của Ukraine, thậm chí từ các đoạn đường cao tốc”, ông nói.
Với hệ thống tên lửa S-300, nó có thể “vươn đến một khu vực nhất định nhờ hệ thống dẫn đường quán tính hoặc các lệnh được gửi trực tiếp từ trạm radar đa chức năng của máy bay A-50”.
“Sau đó, tên lửa đánh chặn bắt đầu tìm kiếm mục tiêu, định vị và cuối cùng là phá hủy mục tiêu. Tầm bắn của hệ thống này rất lớn có thể lên tới 400km hoặc thậm chí xa hơn”, ông Knutov nói.
Ông nhấn mạnh, việc các hệ thống phòng không của Nga bắn hạ 24 máy bay Ukraine trong vòng 5 ngày cho thấy “việc sử dụng hiệu quả các hệ thống tên lửa phòng không và sự thay đổi trong chiến thuật phòng không của Nga”.
“Điều này cùng với việc sử dụng các máy bay A-50 cho phép chúng ta giải quyết vấn đề không chỉ liên quan đến phát hiện mục tiêu mà còn phá hủy chúng với độ chính xác cao”, ông Knutov nhận định.
Ông nhấn mạnh thêm: “Điều này sẽ buộc các nước NATO phải cân nhắc xem liệu Ukraine có thực sự cần máy bay F-16 hay không bởi loại máy bay này có thể phải đối mặt với số phận tương tự như máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 của Ukraine”.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hiện giờ đã sở hữu hệ thống phòng không có khả năng bắn rơi 24 máy bay Ukraine, gồm Su-27 và MiG-29, trong 5 ngày.
“Tình hình hiện nay cho thấy năng lực của đối phương (Ukraine) đang suy giảm… Họ đang hoảng sợ. Chúng ta biết chiến thuật của họ, biết kế hoạch tấn công và rút lui của họ. Chúng ta hiện có hệ thống vũ khí có thể bắn hạ 24 máy bay trong 5 ngày”, Bộ trưởng Shoigu nói.
Ông Shoigu không nêu cụ thể lá chắn phòng không nào, cũng như các tính năng liên quan đã giúp nó bắn rơi máy bay Ukraine. Kiev cũng chưa lên tiếng về thông tin mà Bộ trưởng Nga nêu ra.
Giới quan sát cho rằng, sau hơn một năm xung đột Nga – Ukraine, chưa bên nào giành ưu thế kiểm soát trên không.
Kiev liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ các hệ thống phòng không hiện đại và máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép các đồng minh cung cấp F-16 cho Ukraine.
Nga cảnh báo động thái này của Mỹ và đồng minh chỉ khiến xung đột leo thang, kéo theo nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow sẽ coi việc phương Tây cấp F-16 cho Ukraine là mối đe dọa buộc Nga phải đáp trả.