Theo thông tin mới đây của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 có 15.061 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu, đạt tổng trị giá 299 triệu USD. Đáng chú ý là cùng với thị trường Thái Lan và Indonesia, Trung Quốc là thị trường mới mà Việt Nam nhập khẩu ô tô, với tổng số xe là 14.597 chiếc, chiếm 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Không chỉ phân phối, hãng xe Trung Quốc còn mở rộng đầu tư
Trong đó nhập khẩu xe từ Trung Quốc là 2.443 chiếc, riêng với ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 1.223 chiếc, trên tổng số 12.334 chiếc được nhập khẩu từ ba thị trường trên.
Không chỉ nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều hãng ô tô của Trung Quốc cũng đang có tham vọng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, hãng xe Geely đã hoàn tất việc ký hợp đồng liên doanh sản xuất, lắp ráp xe ô tô với Tasco và ủy quyền phân phối xe ô tô Geely Auto tại Việt Nam cho Tasco…
Hãng này dự kiến xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô dưới hình thức CKD tại Thái Bình, với diện tích 30ha, có công suất thiết kế lên đến 75.000 xe/năm trong giai đoạn đầu, với tổng số vốn đầu tư khoảng 168 triệu USD.
Trước đó, hãng ô tô điện Trung Quốc BYD chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với ba mẫu xe Dolphin, Atto 3 và Seal, cũng như sắp ra mắt mẫu SUV cỡ D thuần điện tại Việt Nam vào tháng 10 tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tấn Công – nguyên tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) – cho rằng việc ô tô Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam chủ yếu do sản lượng sản xuất của xe này trên thị trường đang quá dư thừa, chứ không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng ô tô của thị trường Việt Nam.
Bằng chứng là dù nhập khẩu xe Trung Quốc có tăng và chiếm tỉ trọng lớn trong ba thị trường nhập khẩu lớn nhất, song sản lượng xe ô tô Trung Quốc dưới 9 chỗ ngồi chỉ dừng ở mức hơn 1.200 chiếc, trong khi đã có tới 11 thương hiệu ô tô con của nước này vào thị trường Việt Nam.
“Trung Quốc nổi lên là nhà sản xuất ô tô điện lớn hàng đầu thế giới khi ồ ạt sản xuất với lượng lớn, tạo nên khủng hoảng thừa. Vì vậy, nhiều hãng xe nước này đã phải đẩy lượng hàng tồn đi tiêu thụ ở nhiều nước” – ông Công phân tích.
Xe điện Trung Quốc liệu có tạo ra cạnh tranh?
Theo đó, lượng ô tô Trung Quốc được nhập về, chủ yếu là do các doanh nghiệp Trung Quốc thành lập công ty Việt Nam đứng ra nhập khẩu và phân phối. Hầu hết các thương hiệu này được nhập nguyên chiếc, chỉ riêng dòng xe Wuling được TMT Motor hợp tác liên doanh với GM để sản xuất, lắp ráp.
Có kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác Trung Quốc, ông Công cho hay các dòng xe Trung Quốc có đặc điểm là “màu mè”, tô vẽ và tích hợp nhiều công nghệ mới. Kiểu dáng xe cũng ngày càng cải thiện và đặc biệt là chất lượng có tiến bộ hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận chiến lược phát triển, phân phối các dòng xe ô tô của Trung Quốc tại Việt Nam thời gian qua chưa phù hợp và chưa thực sự sắc nét. Đơn cử như về mức giá, xe Wuling khi ra mắt có giá ban đầu là khoảng 250 triệu đồng. Nhưng sau đó họ phải giảm giá mạnh, hiện ở mức 200 triệu đồng.
“Việc định giá cao khiến cho các dòng xe này kém thu hút khách hàng ngay từ ban đầu. Chiến lược phát triển thị trường nên tiếp cận là đưa ra giá thấp, đủ cạnh tranh thì mới hấp dẫn người tiêu dùng” – ông Công nói.
Thêm nữa, hệ thống bảo hành, bảo dưỡng là yếu tố quan trọng cho người mua xe quyết định, nhưng cùng với sự ồ ạt nhập khẩu các dòng xe của Trung Quốc, hệ thống bảo dưỡng vẫn chưa đồng bộ, tạo nên tâm lý càng sợ mua xe ô tô Trung Quốc vốn đã tồn tại trước đây với người Việt Nam.
Người tiêu dùng cũng có tâm lý lo ngại khi sử dụng xe Trung Quốc, khó có thể bán lại xe cũ, do các dòng xe này sẽ kém cạnh tranh hơn so với các hãng đang có trên thị trường. Bởi một yếu tố quan trọng, theo ông Công, đó là phần lớn các dòng xe Trung Quốc được nhập về Việt Nam chủ yếu là xe điện.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giai-ma-vi-sao-o-to-trung-quoc-do-bo-vao-thi-truong-viet-nam-20240925155925304.htm