Chúng ta không còn xa lạ với hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng da. Tuy nhiên, hẳn nhiều người không biết vàng da ở trẻ sơ sinh như thế nào là tình trạng sinh lý và như thế nào là bệnh lý. Những chia sẻ trong bài viết dưới sẽ giúp bạn phân biệt được 2 trường hợp này.
1. Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Trẻ sinh ra có da và kết mạc mắt màu vàng được gọi là vàng da ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do sắc tố bilirubin trong máu tăng cao. Sắc tố này có màu vàng cam, vì vậy, làm màu da và mắt của trẻ sơ sinh biến đổi.
Trẻ sơ sinh bị vàng da là rất phổ biến. Có đến 60% trẻ sơ sinh đủ tháng mắc phải chứng vàng da. Con số này cao hơn ở trẻ sinh non, chiếm khoảng 80%. Tuy phổ biến nhưng chúng ta không được chủ quan với hiện tượng này bởi vàng da gồm sinh lý và bệnh lý. Nếu không phát hiện và điều trị có thể gây biến chứng não, thần kinh hay thậm chí khiến trẻ tử vong.
Trẻ sơ sinh bị vàng da là khá phổ biến
2. Cách phân biệt giữa hai tình trạng vàng da
Vàng da sinh lý
Đây là trường hợp phổ biến hơn cả, các dấu hiệu nhận biết như sau.
- Từ 3 ngày sau sinh, da và mắt bắt đầu chuyển sang màu vàng. Mức độ nhẹ, chủ yếu bị ở mắt, vùng mặt, vùng cổ, vùng ngực và vùng bụng trên rốn.
- Trẻ chỉ bị vàng da, không kèm theo các bất thường khác như bú kém, ngủ li bì, gan và lách to, thiếu máu,…
- Xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bilirubin không quá 12mg% với trẻ sinh đủ tháng và tăng không quá 5mg% trong 24 giờ.
- Sau 7 – 10 ngày, hiện tượng vàng da tự khỏi.
Nói chung, vàng da sinh lý không đáng lo ngại do mức độ nhẹ, mang tính chất tạm thời, có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Mẹ chỉ cần chú ý thực hiện các hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là tăng cường cho bú mẹ để cơ thể tự động đào thải bilirubin ra ngoài.
Vàng da bệnh lý
Đây là một bất thường về sức khỏe của em bé mà chúng ta không được chủ quan. 24 giờ đầu sau sinh được cho là “thời điểm vàng” để nắm bắt các triệu chứng vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh.
- Trong 1 – 2 ngày sau sinh, da và mắt chuyển sang màu vàng đậm. Đặc biệt, hiện tượng vàng da lan rộng khắp bụng, lưng và tay chân của trẻ.
- Trẻ bị vàng da kèm các triệu chứng bất thường như bú kém, li bì, quấy khóc, sốt, nôn ói, phân nhạt màu,…
- Sau 2 tuần (với trẻ sinh đủ tháng) hoặc 3 tuần (với trẻ sinh non) theo dõi, triệu chứng vàng da không thuyên giảm.
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, khả năng cao bị vàng da bệnh lý, cần được thăm khám và điều trị tích cực để tránh biến chứng nhiễm độc thần kinh, tổn thương não, tử vong.
Cần phân biệt tình trạng vàng da ở trẻ để có phương pháp điều trị thích hợp
3. Chẩn đoán vàng da ở trẻ sơ sinh
Để phát hiện trẻ sơ sinh có bị vàng da hay không, chúng ta có thể thử bằng cách đưa bé ra nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên, sau đó dùng ngón tay của mình ấn vào da bé trong 5 giây. Tiếp đến, buông ngón tay ra và quan sát vùng da bị ấn có bị chuyển sang màu vàng. Ngoài ra, bạn cũng có thể so sánh da mặt, da bụng, da bàn tay chân và da lòng bàn tay chân của bé với mình để xem có khác biệt hay không.
Để chính xác, bác sĩ sẽ dùng máy đo bilirubin qua da. Thiết bị này giúp phát hiện và đánh giá mức độ vàng da ở trẻ. Tuy nhiên, kết quả máy đưa ra có thể bị sai số 3 – 5mg so với kết quả xét nghiệm máu. Do đó, xét nghiệm máu xác định nồng độ chỉ số bilirubin được cho là chính xác nhất.
4. Điều trị trẻ sơ sinh bị vàng da
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh phù hợp.
Tăng cường cho bé bú
Theo các bác sĩ, vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi, không cần điều trị. Mẹ hãy tăng cường cho bé bú (8 – 12 lần/ngày), nếu bé dùng sữa công thức ngoài thì cứ 2 – 3 giờ bú một lần, mỗi lần 30 – 60 ml và duy trì liên tục trong tuần đầu tiên. Việc này giúp cơ thể bé luôn đủ nước và hoạt động đào thải diễn ra thuận lợi.
Tích cực cho bú mẹ là cách trị vàng da sinh lý mức độ nhẹ
Chiếu đèn
Với trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý mức độ vừa trở lên, bé cần được chiếu đèn. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi do đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém chi phí. Khi được chiếu đèn, bé sẽ không mặc quần áo, chỉ quấn tã và che mắt. Dưới tác động của ánh đèn chiếu trực tiếp vào người bé, bilirubin từ dạng không hòa tan trong máu sẽ bắt đầu chuyển từ từ sang dạng hòa tan, do đó, dễ dàng đào thải qua gan và thận.
Thời gian chiếu đèn bao lâu tùy thuộc vào mức độ vàng da và ngày tuổi, cân nặng của bé. Lưu ý, sau khi chiếu đèn, hiện tượng vàng da có thể “quay lại”. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc đến mức độ và ngày tuổi của bé để quyết định có tiếp tục chiếu đèn nữa hay không.
Thay máu
Trường hợp nghiêm trọng hơn, bé có nguy cơ cao bị nhiễm độc thần kinh, bác sĩ sẽ chỉ định thay máu. Thường thì trẻ sẽ được chiếu đèn trước, nếu phương pháp chiếu đèn không mang lại hiệu quả, trẻ bị vàng da đậm và xuất hiện các biểu hiện về thần kinh, xét nghiệm máu cho thấy mức bilirubin cao (> 20mg%), bé sẽ được thay máu. Sau điều trị thay máu, bé cần được theo dõi và xử lý các biến chứng (nếu có).
Nếu bé vàng da nặng kèm bất thường thần kinh, cần được thay máu
Nói chung, mỗi phương pháp điều trị sẽ có những ưu điểm riêng kèm với tác dụng phụ nhất định. Bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cao nhất.
Trên đây là những thông tin về hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh. Mọi nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Khoa Nhi – Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/giai-ma-hien-tuong-vang-da-o-tre-so-sinh-cha-me-khong-nen-bo-qua