Những ngày đầu năm, các ngả đường dẫn về núi Bà Đen, Tây Ninh đông nghịt người từ khắp các tỉnh thành. Dưới chân núi, hàng trăm nghìn người dân đã “cắm trại” để sẵn sàng cho một mùa hành hương lớn nhất trong năm tại ngọn núi linh thiêng.
Biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam bộ
Với đa phần người dân Nam bộ, núi Bà Đen là một trong số huyệt đạo thiêng nhất nước Nam, là nơi hội tụ linh khí đất trời. Theo sử liệu từ thế kỷ XIX, núi Bà Đen được xem là ngọn núi thiêng trấn thành Gia Định (Sài Gòn xưa), nơi có “chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng có thuyền rồng bơi lượn”. Vì vậy, nhiều người xem việc đặt chân đến ngọn núi thiêng Bà Đen là việc nên làm mỗi dịp đầu năm để cầu bình an và may mắn.
Xuyên suốt tháng Giêng, đặc biệt là trong các ngày Tết và gần Rằm tháng Giêng, hàng nghìn người cắm trại và ngủ lại dưới chân núi như một cách để hít thở và đón nhận nguồn linh khí từ núi thiêng cho một năm an lành, phát tài phát lộc. Chỉ tính riêng ngày mùng 4 Tết, Tây Ninh đón một lượng khách khổng lồ từ khắp các tỉnh thành đến xem khai mạc Hội xuân núi Bà, trong đó có đến 145 nghìn người đi cáp treo lên núi Bà Đen. Hàng nghìn gia đình, nhóm bạn trẻ, du khách đã có mặt từ sáng sớm đến đêm khuya, trải chiếu, trải bạt, thảm, túi ngủ… quanh khu vực chân núi để đón nhận nguồn năng lượng an lành từ ngọn núi thiêng, đồng thời chờ đón màn pháo hoa rực rỡ mừng xuân mới.
Chị Phạm Khánh Ngọc (Long An) cho biết: “Tết năm nào gia đình tôi cũng đến núi Bà Đen và hạ trại ngủ lại ít nhất một đêm, vừa để cảm nhận không khí chơi xuân thâu đêm có thể nói là độc nhât vô nhị tại đây, vừa cảm nhận như mình được che chở, bao bọc bởi Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Linh Sơn Thánh Mẫu, hay còn được gọi dân dã là Bà Đen, là một biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam bộ. Được biết đến qua rất nhiều huyền thoại về sự hiển linh cứu độ chúng sinh, Linh Sơn Thánh Mẫu được người dân tôn thờ là nữ thần chủ của ngọn núi Bà Đen. Đến núi Bà Đen dịp đầu xuân, với đa số mọi người, chính là đến để bái Bà và tỏ lòng tôn kính với trước Linh Sơn Thánh Mẫu.
Bởi vậy, vào các ngày đầu năm, núi Bà Đen luôn tấp nập người từ Tây Ninh và khắp các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, TP.HCM, Tiền Giang…, cùng rất nhiều người đến từ Campuchia giáp biên giới Tây Ninh. Mỗi ngày, từng đoàn người háo hức đến chân núi trải chiếu, quây quần trò chuyện, ăn uống, ngủ lại qua đêm để sáng lên núi bái Bà, hái lộc cầu phúc.
Điểm đến du xuân thâu đêm độc đáo
Không khí chơi xuân hội hè rộn ràng này kéo dài suốt tháng Giêng, ngày nào ngọn núi thiêng cũng tấp nập người đến hành hương chiêm bái và vui chơi. Đặc biệt vào những ngày gần Tết Nguyên Tiêu, chập tối đã thấy từng đoàn người trải chiếu, căng bạt la liệt dưới chân núi. Chốc lại thấy một đoàn người đến chân núi lỉnh kỉnh chăn gối màn mùng, nồi niêu bát đĩa, đủ để có thể hạ trại ngủ ở chân núi đến 3 ngày. Từ người già trẻ con, đến các nhóm bạn trẻ, tất cả rộn ràng trò chuyện, nói cười, hát ca, ăn uống thâu đêm.
“Đây đúng là festival camping thực sự. Cảm giác được hoà vào không khí nhộn nhịp thâu đêm ở đây rất tuyệt. Ai cũng thấy như đã thân quen từ lâu rồi. Người già mệt thì ngủ, trẻ con xoè váy xanh đỏ chạy nhảy tung tăng, người lớn thì trò chuyện thâu đêm. Chơi xuân kiểu này mới thật là chơi xuân”, anh Trần Văn Hà (TP.HCM) chia sẻ.
Nhiều năm qua, việc ngủ đêm tại chân núi Bà Đen dịp Tết đã trở thành một truyền thống, một nét văn hoá đặc biệt, không giống với bất cứ điểm đến tâm linh nào khác. Sáng đến, từng đoàn người lại kéo nhau lên chùa Bà - ngôi cổ tự có tuổi đời 3 thế kỷ, để dâng lễ đầu năm trước Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát và lên núi chiêm bái cầu an lành trước Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới và tham quan khu triển lãm rộng lớn - nơi du khách sẽ khám phá thế giới Phật giáo và kiếm tìm sự an yên, hỷ lạc trong những ngày đầu năm mới. Không khí chơi xuân lại tiếp tục tưng bừng trên đỉnh núi với các điệu múa trống Chhay dăm, múa Khmer, nhạc ngũ âm… đặc trưng của người Khmer Tây Ninh được tổ chức xuyên suốt trong các ngày Tết. Hàng ngàn gốc hoa tulip bung nở rực rỡ với đủ loại sắc màu làm nên một thiên đường du xuân ngay trên đỉnh ngọn núi được mệnh danh là “đệ nhất thiên sơn”.
Đặc biệt, du khách sẽ tham dự rất nhiều trải nghiệm tâm linh độc đáo trên đỉnh núi trong ngày lễ vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) để cầu tài lộc đầu năm và tham dự đại lễ dâng đăng thiêng liêng cầu bình an, may mắn trong năm mới vào ngày Rằm tháng Giêng.
Với rất nhiều trải nghiệm văn hoá độc đáo không giống bất cứ điểm đến tâm linh nào, núi Bà Đen Tây Ninh trở thành miền đất hành hương phải đến để nhân dân đón năm mới bình an, phúc lộc.
Lệ Thanh
Nguồn: https://vietnamnet.vn/giai-ma-hien-tuong-no-nuc-hanh-huong-nui-ba-den-tay-ninh-dau-nam-moi-2370422.html
Bình luận (0)