Tại toạ đàm “Thấu hiểu cơ thể con để nuôi con cao lớn hơn” vừa được tổ chức, bác sĩ Phạm Diệp Thuỳ Dương, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết nếu trẻ trong 1.000 ngày đầu đời được chăm sóc tốt về mặt dinh dưỡng, tinh thần, trẻ sẽ có nền tảng sức khỏe tốt nhất, đảm bảo tương lai trưởng thành khỏe mạnh, dễ phát triển. Ngoài ra, những trẻ này sẽ có hệ miễn dịch tốt, phòng tránh được các bệnh lý thường gặp, nguy hiểm như: tiêu chảy, lao, viêm phổi…
“Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt nên các yếu tố về gen di truyền, dinh dưỡng, giáo dục, gia đình sẽ ảnh hưởng lên quá trình hình thành nhân cách và phát triển của trẻ một cách khác nhau. Đặc biệt, 1.000 ngày đầu đời của trẻ (từ khi bắt đầu thụ thai cho đến khi trẻ sinh ra đạt đủ 2 tuổi) là quãng thời gian được đánh giá là quan trọng nhất với sự phát triển của một con người, quyết định sự hạnh phúc, sức khỏe và thành công sau này”, bác sỹ Thuỳ Dương cho biết.
Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ cần đặc biệt lưu ý về chế độ ăn đầy đủ, giúp dinh dưỡng được truyền đến con đủ cho con khỏe mạnh, miễn dịch tốt, phát triển khỏe mạnh khi trong bụng mẹ và cả khi sinh ra.
Tuy nhiên, ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ y sinh, xét nghiệm gene là một công cụ giúp phụ huynh hiểu con một cách chính xác và khoa học, từ đó tự tin hơn trong quá trình nuôi con đặc biệt là 1.000 ngày đầu đời. Ví dụ, dị ứng đạm sữa là dị ứng phổ biến ở trẻ nhỏ, liên quan đến sự thay đổi của các gen TLR1, TLR6, IL10. Trẻ có thể không ăn được thực phẩm làm từ sữa bò, chẳng hạn sữa, sữa chua, kem, bơ hoặc dị ứng với các loại sữa khác như sữa cừu, dê… khi biết trước con mình có gen dễ dị ứng, mẹ có thể chủ động hơn trong quá trình cho con bú sữa, ăn dặm.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Công, Phòng khám nhi Sunshine, chia sẻ sau khoảng thời gian bú sữa mẹ, bé sẽ bắt đầu đến giai đoạn ăn dặm. Lựa chọn thời gian ăn dặm ở tháng thứ bao nhiêu sẽ phụ vào kỹ năng lúc đó của trẻ, trẻ có thể tự ngồi được, hoặc ngồi có ba mẹ đỡ, cổ đã cứng, lưỡi có dấu hiệu muốn ăn thì mới bắt đầu cho bé ăn dặm. Thời gian tốt nhất là 4-6 tháng, bắt đầu muộn không quá 8 tháng.
Trong quá trình tập cho bé ăn dặm, phụ huynh nên chuyển từ từ, không ép trẻ ăn nhiều. Bác sĩ Công cũng chỉ ra một sai lầm mà rất nhiều phụ huynh gặp phải khi cho trẻ ăn dặm là ép trẻ ăn quá nhiều, lạm dụng thuốc bổ. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ béo phì, cùng nhiều bệnh lý khác.
“Nếu phụ huynh cho trẻ đi xét nghiệm gene phát hiện những tính trạng khác biệt như nhạy cảm vị đắng, dị ứng đạm sữa… phụ huynh không cần tránh các loại thực phẩm đó hoàn toàn vì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Thay vào đó, khi biết con nhạy cảm với vị đắng, phụ huynh có thể cho con ăn dặm với vị ngọt trước, rồi đến vị đắng sau, theo cấp độ đắng từ ít đến nhiều”, bác sĩ Công nói.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, các bác sỹ cũng cần tạo một môi trường tự nhiên với đầy đủ ánh sáng và không gian rộng rãi, thông thoáng, tránh được các nguy cơ tai nạn sinh hoạt giúp cho trẻ vận động, phát triển cả về thể chất và tinh thần.
PV