Thành nhà Hồ nổi tiếng vì gắn liền với giai đoạn cho dù ngắn ngủi nhưng đầy biến động trong lịch sử của nước ta, cho tới nay vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc đá cổ, một kiệt tác thể hiện tài năng, trí tuệ siêu phàm của người Việt, chứa đựng biết bao điều bí ẩn, xen kẽ là những huyền tích.
Công cuộc rời đô cấp bách, Thành nhà Hồ được xây dựng trong khoảng thời gian không tưởng với khối lượng công việc đồ sộ. Để xây dựng Thành nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã cho người đào đắp tới 80.000 mét khối đất, khai thác vận chuyển, lắp đặt từ 20.000 – 25.000 mét khối đá phiến. Một công trình kiến trúc lớn như vậy phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn và gấp gáp bởi lúc này, quân Minh đã lăm le xâm lược nước ta.
Cho tới hiện tại, vẫn còn vô số bí ẩn về quá trình xây dựng thành bị vùi sâu bên trong những đoạn tường đã mọc đầy cây bụi hay bị chôn chặt dưới chân thành. Và những cuộc khảo cổ cho tới nay mới hé lộ phần nào những bí ẩn đó. Dù vậy, vẫn có những bí ẩn đã trở thành giai thoại…
Đền thờ nàng Bình Khương
Đền thờ nàng Bình Khương thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc gắn liền với lịch sử hình thành kinh đô triều Hồ. Đây cũng chính là di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ nhà được UNESCO vinh danh.
Có một đoạn tường thành không hoàn chỉnh tồn tại hàng trăm năm qua gắn liền với câu chuyện nàng Bình Khương gieo mình vào đá để chết theo chồng là một trong những bí ẩn có sức ám ảnh ghê gớm đã vẽ lên một phần lịch sử kiến tạo tòa thành đá. So với ba bức tường thành còn lại, bức phía Đông có lẽ là bức tường thành còn giữ được tương đối nguyên vẹn hình dáng, cấu trúc, vật liệu, chiều cao. Suốt hơn 600 năm, đoạn tường này vẫn sừng sững như không chịu bất kì sự mài mòn nào của thời gian.
Thế nhưng, có một đoạn tường thành ngắn khắc hẳn với chính thể kết cấu bức tường. Đây được coi là đoạn tường oan nghiệt nơi bắt đầu tấn bi kịch oan khuất. Truyền thuyết là như vậy nhưng sự tôn kính của người dân địa phương với nàng Bình Khương lại là thực tế. Nhang khói trong đền chưa bao giờ nguội lạnh và lòng tin của họ có cơ sở hơn khi ngôi đền được trùng tu.
Có thể truyền thuyết luôn gắn liền với một sự kiện lịch sử nào đó cũng thường thấy trong thực tế. Câu chuyện xây thành nhà Hồ cùng cái chết của vợ chồng nàng Bình Khương cũng không ngoại lệ. Dưới góc nhìn của các nhà nghiến cứu văn hóa cũng lý giải được một phần sự liên kết giữa truyền thuyết và sự kiện trong lịch sử này.
Đôi Rồng đá cụt đầu
Tại khu vực trung tâm thành nhà Hồ hiện còn tồn tại một đôi rồng đá. Đây là một chứng cứ quý giá còn sót lại trong nội thành Thành nhà Hồ. Đôi Rồng có chiều dài 3,8m – là đôi tượng rồng lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.
Đôi Rồng được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nguyên khối, thân thon nhỏ dần về phía đuôi uốn 7 khúc, có vảy phủ kín thân. Rồng có 4 chi, mỗi chi có 3 móng.Các khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc, móc hoa lượn mềm, tỉ mì.
Trong lịch sử mỗi vương triều nhà nước phong kiến Việt Nam đều có con rồng là biểu trưng. Mỗi thời đều có cách nhận biết riêng và rồng nhà Hồ cũng vậy. Khi nghiên cứu về hình thái đôi rồng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết lý giải sự tồn tại của chúng.
Điều đặc biệt ở đây là đôi rồng đá không còn nguyên vẹn mà bị mất đầu. Xung quanh vấn đề này vẫn còn là một bí ẩn, là nguyên nhân cho nhiều lời đồn đoán lan truyền trong dân gian. Nhiều người kể giai thoại về rồng phun lửa và bị người dân phá đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều phủ nhận truyền thuyết này.
Trong quá trình khai quật, Trung tâm Di sản Thành nhà Hồ cũng đã phát hiện một số con vật khác bị mất đầu như con nghê đá. Trên thực tế, từ vị trí phát hiện đôi rồng, những bí ẩn khác lại dần hé lộ khi các cuộc khảo cổ được tiến hành. Mặc dù không toàn vẹn nhưng đôi rồng đá cũng là cơ sở để các nhà khảo cổ học nhận định về những công trình thành nhà Hồ đã từng tồn tại.
Nguồn: https://vtv.vn/doi-song/giai-ma-cuoc-song-thanh-nha-ho-tu-truyen-thuyet-toi-hien-thuc-20221209133744096.htm