Trong số hơn 2.500 học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2024 tại Bạc Liêu sáng nay 17-3, khá nhiều em quan tâm và muốn chọn ngành để sau này làm việc ngay tại địa phương, góp phần phát triển quê hương.
Muốn trở thành lập trình viên nhưng không giỏi toán, làm sao?
Bạn Ngọc Thuyên (học sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu) hỏi: “Em là nữ, không quá giỏi toán và logic có nên chọn ngành công nghệ thông tin? Em muốn trở thành lập trình viên”.
Theo ThS Phùng Quán – trưởng phòng tổ chức – hành chính Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), để trở thành người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là lập trình viên, đòi hỏi người học phải giỏi toán, kỹ năng logic… Nếu không có thế mạnh đó thì sẽ rất khó phát triển được để trở thành lập trình viên giỏi.
“Khi vào học lập trình, viết code phải đưa ra các giải thuật và các phương án tối ưu nhất để viết được phần mềm. Những môn học của ngành công nghệ thông tin liên quan đến toán rất nhiều, trong đó đầu tiên sinh viên phải học môn toán rời rạc. Nếu không học được môn này là thua ngay từ đầu. Muốn học công nghệ thông tin cần phải học tốt môn toán và ngoại ngữ…”, thầy Quán cho biết.
Cũng theo thầy Quán, hiện nhiều bạn lo lắng học công nghệ thông tin ra trường không có việc làm trong thời trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ.
“Các bạn cứ yên tâm, hiện nay mỗi năm Việt Nam cần khoảng 200.000 lập trình viên. Trong khi số lượng đào tạo của các trường đại học chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Tuy nhiên, mình cần học thật giỏi mới có nhiều cơ hội làm việc, không phải học công nghệ thông tin ra là có việc làm, vì có sự cạnh tranh rất lớn trong lĩnh vực này”, thầy Quán nói.
Sinh viên nuôi trồng thủy sản năm 4 đã có việc làm
Hồ Duy Khánh (lớp 12 Trường THPT Bạc Liêu) cho biết qua tìm hiểu em biết được Bạc Liêu có bờ biển dài, nhiều kênh rạch thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Chính phủ cũng có định hướng phát triển Bạc Liêu thành thủ phủ tôm của cả nước. “Em có thể học ngành nghề nào để tận dụng lợi thế trên để làm việc và phát triển tỉnh nhà?”, Khánh hỏi.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Trường đại học Nông Lâm TP.HCM – cho biết Bạc Liêu là tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên có rất ít em quan tâm chọn theo đuổi lĩnh vực này. Hiện nay Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Bạc Liêu có đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản.
“Qua tìm hiểu tôi biết được người dân nuôi trồng thủy sản lệ thuộc vào các công ty cung cấp con giống. Ngành học này đào tạo kiến thức về việc tạo con giống, nuôi trồng chất lượng tốt hơn, chữa bệnh cho thủy sản… Như vậy, học sinh Bạc Liêu chọn học ngành này rất phù hợp”, thầy Hùng nói.
TS Tiền Hải Lý – phó hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu – cho biết thêm: “Trường chúng tôi là trường công lập địa phương có thế mạnh đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Nhà trường có đào tạo chuyên sâu nuôi tôm công nghệ cao. Đây là lĩnh vực hẹp có thể giúp sinh viên ra trường có trình độ làm việc sát với nhu cầu thực tiễn. Nhiều sinh viên năm 4 học chuyên ngành này của trường đã được các công ty ký hợp đồng làm việc”.
Chọn ngành nào phù hợp với lĩnh vực năng lượng tái tạo?
Bạn Nguyễn Đăng Phúc (học sinh lớp 12 Trường THPT Bạc Liêu) muốn hỏi việc tỉnh Bạc Liêu đang đột phá năng lượng tái tạo và năng lượng sạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như điện gió và điện mặt trời. Vậy em nên chọn ngành nào là phù hợp với lĩnh vực này?
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho hay ngành điện gió ở Việt Nam phát triển nhanh.
Một số nhóm có thể phát triển thêm để đảm bảo cho hệ thống vận hành một cách tốt nhất: bảo trì, bảo dưỡng, vận hành… Một số phát triển thêm về việc xây dựng trong tương lai như vận tải điện, điều độ điện, điều khiển, xây dựng. Như vậy, các bạn có thể học về điện, địa kỹ thuật, môi trường, kinh doanh, khí tượng thủy văn…
“Nếu thật sự các bạn nhắm đến việc làm để phát triển địa phương thì có thể học các ngành liên quan đến lĩnh vực đó. Chúng ta cần giữ cái đầu lạnh trong chọn ngành. Các bạn chỉ có thể học tốt nếu thực sự phát huy đúng năng lực của mình. Nếu chọn ngành không phù hợp với năng lực cũng như sở thích của mình thì sẽ không học được”, thầy Thắng tư vấn.
Việt Thùy (Trường THPT Bạc Liêu) chia sẻ từ những trải nghiệm của bản thân trong việc tổ chức các sự kiện ngay tại lớp học của mình, bạn quan tâm đến ngành tổ chức sự kiện để theo học và phát triển sự nghiệp trong tương lai.
ThS Nguyễn Thái Châu – giám đốc tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính – Marketing, cho hay liên quan đến tổ chức sự kiện, ngành du lịch hiện có chuyên ngành tổ chức sự kiện. Trong hoạt động du lịch thường có chương trình gala. Để tổ chức sự kiện liên quan đến nhiều bộ phận: kỹ thuật, dẫn chương trình, viết kịch bản, dàn dựng sân khấu…
“Các bạn có thể theo học ngành truyền thông, marketing… Trong các trường đại học đều có các câu lạc bộ sinh viên, các bạn có thể tham gia để tổ chức các sự kiện nhỏ của trường, từ đó trang bị các kỹ năng cho mình bên cạnh kiến thức chuyên môn”, thầy Châu cho biết.
Chọn quản trị kinh doanh, không bao giờ rớt đại học
Tống Yến Nhi (học sinh Trường THPT Định Thành) muốn theo học ngành quản trị kinh doanh nhưng ngành này đang rất hot, cạnh tranh rất cao, không biết có khả năng đậu và ra trường có cơ hội việc làm nhiều không.
Theo GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, từ khi Việt Nam trở thành nước theo nền kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh là một trong những ngành ra đời sớm nhất. Đến nay, ngành này được đào tạo ở rất nhiều trường. Hầu như trường nào đào tạo lĩnh vực kinh tế từ công đến tư đều có ngành quản trị kinh doanh.
“Nếu có nguyện vọng học ngành quản trị kinh doanh, không bao giờ em rớt đại học. Kiểu gì em cũng đậu nếu em ghi nguyện vọng từ 1 đến n là ngành quản trị kinh doanh ở hàng loạt trường trên cả nước.
Học quản trị kinh doanh ra trường có cơ hội việc làm tốt hay không, vấn đề nằm ở chỗ em học ở trường nào và học như thế nào.
Quản trị kinh doanh học ra không phải để làm sếp, để lãnh đạo, điều hành công ty. Không ai cho một sinh viên vừa ra trường làm quản lý, quản trị cả. Học quản trị kinh doanh để biết việc khởi sự kinh doanh thế nào.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành này rất rộng. Em cần cân nhắc kỹ mình có phù hợp để học ngành này hay không, cần chọn trường và chiến lược học tập tốt nhất”, thầy Bảo khuyên.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu, Trường THPT Bạc Liêu phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.