Các tác phẩm tham gia Giải Búa liềm vàng bám sát các vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong năm 2023.
Các tác giả đoạt Giải Búa liềm vàng lần thứ VII, năm 2022. (Nguồn: TTXVN) |
Kể từ mùa giải đầu tiên được trao vào ngày 3/2/2017 đến nay, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) là giải báo chí có uy tín, thương hiệu lớn và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Cơ quan thường trực Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Ban Thư ký Giải Búa liềm vàng cho biết, năm 2023 là năm có nhiều nhất số tác phẩm tham dự Giải (2.216 tác phẩm, tăng 184 tác phẩm với năm 2022).
Các tác phẩm có chất lượng đồng đều hơn và tốt hơn so với các mùa giải trước, bám sát các vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước, nhiều tác phẩm đã đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một số tác phẩm đề cập tới những vấn đề bức xúc hiện nay, có tính phản biện xã hội, chiến đấu cao. Riêng các tác phẩm vào chung khảo có một bước tiến rất đáng mừng, bảo đảm chất lượng về nội dung, hài hòa các thể loại, các loại hình, vùng miền và phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, một nét mới trong nội dung các tác phẩm báo chí tham dự Giải năm nay là đã phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng như ra mắt các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương lần thứ 7) và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa XIII) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa – đạo đức trong Đảng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; chống “căn bệnh sợ trách nhiệm” và xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào công tác Đảng; phát triển 6 vùng kinh tế – xã hội chiến lược, trọng yếu…
Bên cạnh đó, có những loạt bài đi sâu tìm ra những nguyên nhân của hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; hoặc là đi sâu về các lĩnh vực của công tác tổ chức xây dựng Đảng, như công tác cán bộ, công tác tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Riêng vấn đề đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về tôn giáo, dân tộc và nhân quyền ở Việt Nam, năm nay, có nhiều bài viết thể hiện một cách phong phú, sinh động, sâu sắc, lập luận rất chặt chẽ, có tính thuyết phục cao. Ngoài ra, một số tác phẩm báo chí đã phản ánh được những nhân tố mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo của nhiều địa phương.
Đáng chú ý là Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII – năm 2023 có số cơ quan báo chí cấp tỉnh gửi tác phẩm truyền hình tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, thậm chí có cả các trung tâm văn hóa cấp huyện, chương trình truyền hình của Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh và công ty truyền thông tư nhân gửi tác phẩm tham dự Giải. Một số tác phẩm có chiều sâu và chất lượng rất tốt, hiệu quả tuyên truyền cao, phản bác sắc bén luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu.
Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của các cơ quan báo chí ở Trung ương mà còn có nhiều ở các báo, đài phát thanh – truyền hình địa phương. Nhiều tác phẩm sau khi đăng, phát đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc. Điều này cho thấy Giải Búa liềm vàng ngày càng có sự lan tỏa mạnh mẽ.
Qua 2.216 tác phẩm dự Giải Búa liềm vàng lần này đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống chính trị, kinh tế xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2023 với những gam màu rất tươi sáng, đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.