Đây có thể coi là một nơi tôn vinh hiệu quả đối với những nỗ lực của hội viên, nhà báo, từ đó tạo ra động lực giúp họ vượt ra khỏi “ao làng”, tham gia các giải toàn quốc, Giải Báo chí Quốc gia.
Khi Giải báo chí tỉnh làm nên dấu ấn địa phương
Trên thực tế, suốt hành trình hơn 17 mùa Giải, đã từng có những giai đoạn báo chí địa phương “vắng bóng” trên thảm đỏ Giải Báo chí Quốc gia với không ít những trăn trở về chất lượng. Nhưng những năm trở lại đây, Giải Báo chí Quốc gia đã ghi nhận những thành công xuất sắc của Hội Nhà báo các tỉnh như: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Quảng Bình, Cần Thơ, Phú Thọ, Hưng Yên… Sự nỗ lực ấy đã và đang kéo gần khoảng cách giữa báo chí Trung ương và địa phương. Đạt được thành tựu ấy, một trong những “tác động” rất tích cực, theo các lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương đó chính là vai trò của những giải báo chí trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đây được coi là tiền đề quan trọng để đảm bảo chất lượng cho các tác phẩm, giúp cho những cây bút mạnh dạn vượt ra khỏi “ao làng”, tham gia vào Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, giải của bộ, ban, ngành… góp phần khẳng định được uy tín, màu cờ sắc áo cho các địa phương. Trong các giải báo chí tỉnh được đánh giá là nổi bật, có thể kể đến như Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh, Giải Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh do Hội Nhà báo Quảng Ninh tổ chức, Giải Báo chí Nguyễn Văn Linh do HNB Hưng Yên tổ chức; Giải Báo chí Nhân Thân Trung do Hội Nhà báo Bắc Giang tổ chức…
Chia sẻ về Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh, nhà báo Đỗ Ngọc Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Ninh cho biết, năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu năm mới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ chủ động phát động trong hội viên phong trào thi đua sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao để tham dự các giải báo chí. Sau đó là tập huấn nghiệp vụ, trao đổi và định hướng cho hội viên lựa chọn đề tài, tổ chức một số chuyến đi thực tế…
Cùng với đó, công tác thu nộp các tác phẩm tham gia Giải Báo chí Quảng Ninh và tham gia Giải Báo chí Quốc gia được triển khai nhanh và rất khoa học. Trên cơ sở kết quả chấm giải, Hội đồng chấm thường sẽ chọn một số tác phẩm đạt giải cao của Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh để gửi tham dự Giải Báo chí Quốc gia, các phóng viên, hội viên nhà báo cũng có thể chủ động tham gia nhiều cuộc thi, giải báo chí của bộ ban ngành. Ông Hà cho hay, hiện tỉnh có các Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh, Giải Búa Liềm vàng, cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025, cuộc thi báo chí về thông tin đối ngoại, các liên hoan phát thanh, truyền hình…
Đặc biệt, năm nay tại Quảng Ninh còn có cuộc thi sáng tác tác phẩm VHNT và báo chí chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Để chuẩn bị cho các cuộc thi và giải báo chí, ngay từ đầu năm, Hội Nhà báo tỉnh đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Thi đua thực hiện các tác phẩm báo chí chất lượng cao, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023)”.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà tự hào cho biết, Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh và Giải Búa Liềm vàng tỉnh Quảng Ninh hằng năm đều có hàng trăm phóng viên, nhà báo tham gia. Riêng Giải báo chí của tỉnh năm 2022 (trao giải vào dịp tháng 6 năm nay) đã có 190 tác phẩm của 79 tác giả đứng tên độc lập và 81 nhóm tác giả dự thi, tăng so với năm trước là 20 tác phẩm.
Theo đánh giá chung của Hội đồng xét Giải Báo chí Quảng Ninh năm 2022, các tác phẩm tham dự giải năm nay tiếp tục có sự đầu tư, nghiên cứu trong lựa chọn đề tài; bám sát chủ trương, định hướng, chỉ đạo, cách làm của tỉnh và các địa phương, đơn vị, các vấn đề mang tính thời sự gắn liền với sự phát triển KT-XH của tỉnh và được dư luận xã hội quan tâm. Một số tác phẩm có tính phát hiện, khai thác được những góc độ mới. Cách thức triển khai tác phẩm có sự đổi mới, cách dẫn dắt, thể hiện sinh động; có sự đầu tư công phu, chất lượng về cách viết, cách diễn đạt, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, hậu kỳ…
Còn với Giải Búa Liềm Vàng tỉnh, qua ba mùa giải đã khẳng định quy mô tổ chức ngày càng lớn, thu hút được đông đảo các nhà báo, phóng viên, đội ngũ cộng tác viên tham gia hưởng ứng. Số lượng tác phẩm báo chí tham dự giải tăng mạnh so với những năm trước. Các tác phẩm báo chí đã góp phần phản ánh kết quả triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phát hiện mô hình, cách làm sáng tạo từ cơ sở, những vấn đề còn vướng mắc từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng; qua đó đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.
Giải báo chí tỉnh tạo “sức bật” trong chất lượng
Từ năm 2000 đến nay, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập giải báo chí mang tên danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung. Giải Báo chí Thân Nhân Trung hằng năm đã tạo ra “sân chơi” cho các hội viên, nhà báo nhằm thi đua sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Chia sẻ về Giải báo chí này, nhà báo Trịnh Văn Ánh – Tổng biên tập báo Bắc Giang, Chủ tịch HNB Bắc Giang cho biết: Với những nỗ lực và tinh thần xung kích, thông qua Giải Báo chí Thân Nhân Trung cho thấy, các cơ quan báo chí của tỉnh nói chung, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền kịp thời các chủ trương lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền trên các lĩnh vực; Tích cực tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Đồng thời, thẳng thắn đấu tranh, phê phán những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật…
Việc trao Giải Báo chí Thân Nhân Trung cũng là sự ghi nhận đóng góp của những người làm báo trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mỗi mùa giải qua đi lại thêm một lần đánh dấu sự phát triển đi lên của các cơ quan báo chí của tỉnh; đồng thời khẳng định bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm báo tỉnh Bắc Giang ngày càng trưởng thành.
Đặc biệt, trong phương hướng hoạt động thời gian tới, nhằm đẩy mạnh chất lượng Giải Báo chí Nhân Thân Trung, Hội Nhà báo Bắc Giang tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, tăng cường tổ chức các hoạt động chuyên đề, khóa tập huấn nghiệp vụ, mời các chuyên gia làm báo về chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn nhằm bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ về báo mạng và phát thanh truyền hình; tổ chức các buổi quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ người làm báo Bắc Giang có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, bút sắc, lòng trong, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang…
Bên cạnh đó, nhìn thấy rằng, yếu tố quyết định nhất trong chất lượng tác phẩm báo chí vẫn là cơ quan báo chí phải có một đội ngũ phóng viên – những người làm báo có tài năng, nhiệt huyết, dám dấn thân trong công việc và nghề nghiệp. Bởi vậy, để tạo nên “sức bật” trong chất lượng, thời gian tới Hội cũng coi trọng việc động viên, khuyến khích phóng viên không ngừng nỗ lực có tác phẩm chất lượng thông qua việc khen thưởng. Các tác phẩm đầu tư để dự thi, ngoài được đề xuất để tham dự và nhận tiền hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam, còn được đầu tư kinh phí, hỗ trợ các nhóm phóng viên thực hiện…
Có thể nói, đến hẹn lại lên, những mùa giải báo chí ở tỉnh đã và đang tiếp tục “nối dài” hành trình sáng tạo cho người làm báo địa phương. Các Liên chi hội, chi hội, các cấp hội nhà báo địa phương coi trọng việc tổ chức các giải báo chí này không chỉ bởi đây là sân chơi hữu ích đối với người làm báo mà đây còn được coi là tiền đề, bàn đạp để các tác phẩm vươn xa tới các giải báo chí lớn hơn. Mỗi đơn vị, mỗi cấp Hội nhà báo đều ấp ủ nhiều kỳ vọng và mong muốn những tác phẩm đã qua những lần “thử lửa”, sàng lọc từ cơ sở sẽ là những tác phẩm ấn tượng, chất lượng, góp phần mang lại uy tín và thương hiệu cho báo chí địa phương.
Sông Mây