Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII – 2023 vừa chấm xong vòng Chung khảo, được đánh giá là thành công, bởi số lượng cấp hội tham gia gửi bài dự thi, số lượng tác phẩm dự thi, đặc biệt là chất lượng các tác phẩm vào vòng Sơ khảo và Chung khảo đều tăng. Hội đồng sơ khảo đã nhận xét: “Bước sang năm thứ 18, đồng thời là năm thứ 99 Báo chí Cách mạng Việt Nam, uy tín của Giải Báo chí quốc gia tiếp tục được khẳng định vững chắc. Giá trị và hình ảnh giải được lan tỏa rộng khắp các cấp hội và hội viên”.
Bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay là “kho” đề tài để các nhà báo khai thác, thông qua các loại hình, thể loại báo chí sáng tạo ra những tác phẩm báo chí nhằm phản ánh thực tiễn, bình luận, lý giải và ở chừng mức nào đó đưa ra những giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập, đồng thời nêu ra những gương tốt, việc tốt trong xã hội, mang lại năng lực tích cực cho cuộc sống.
Qua theo dõi thì thấy số lượng tác phẩm gửi dự thi mỗi năm đều tăng, đi theo đó là chất lượng, trong đó báo chí Trung ương giữ vai trò chủ chốt, trong khi báo chí địa phương và báo chí ngành vươn lên rõ nét, ở một số thể loại ngang ngửa với báo chí Trung ương.
Các tác phẩm dự thi và đoạt giải trong Giải Báo chí Quốc gia XVIII – 2023 đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh và các mặt của đời sống xã hội, trong đó nổi bật là các tác phẩm về nỗ lực cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ, việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng, tiêu cực, chống các quan điểm sai trái, thù địch cũng như giải quyết các vấn đề nóng nảy sinh.
Giải Báo chí Quốc gia năm 2023 vẫn giữ nguyên cơ cấu 11 loại giải và trong nỗ lực đổi mới Giải, khả năng số lượng giải còn tăng lên trong những năm tới để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, trong đó người làm báo với ý thức chính trị cao đã và đang nỗ lực lao động nghề nghiệp, sáng tạo ra những tác phẩm có nội dung tư tưởng cao, chất lượng chuyên môn ngày càng được cải thiện.
Ở Giải năm nay, các tác phẩm thuộc thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn; Xã luận, bình luận, chuyên luận cũng như thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép trong loại hình báo in vẫn thể hiện là trụ cột của báo chí truyền thống, đã trụ vững với số lượng, chất lượng cao ở vòng Sơ khảo và Chung khảo.
Đầu đề của tác phẩm đã toát ra nội dung và chất lượng, như “Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử” (Báo Đầu tư), “Báo chí cách mạng và sứ mệnh dẫn lối” (Báo Nhà báo & Công luận), “Giải pháp để đầu tư công hiệu quả” (Báo Nhân Dân), “Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Tạp chí Cộng sản), “Hiện thực hóa nghị quyết càng sớm càng tốt” (Báo Người lao động); “Công viên Địa chất toàn cầu bị “xẻ thịt” (Báo Nông thôn Việt Nam); “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi” (Báo Nông nghiệp Việt Nam)… Đây là một số những tác phẩm đoạt giải cao nhờ thành công trong phát hiện đề tài, đầu tư quan sát, nghiên cứu và năng lực điều tra thực địa, cùng cách thể hiện sáng tạo, hấp dẫn, tạo nên chất lượng của tác phẩm.
Tuy vậy, các giám khảo có đôi chút băn khoăn về việc các tác phẩm đoạt giải hầu hết đều nhiều kỳ, in trong 3 – 5 số báo, mà mỗi kỳ đều khá dài, chiếm tới hơn 1/4 trang báo khổ to. Sự “hoành tráng” này thể hiện nhà báo muốn viết cho “có ngọn, có ngành”, trình bày hết vốn tư liệu của mình. Trong điều kiện của thời đại “Cách mạng công nghiệp 4.0”, độ dài như thế liệu có thể thu hút được các độc giả thông thường? Bác Hồ đã từng dạy: “Cần phải viết ngắn gọn, còn viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không tốt. Phải chống tất cả thói viết rỗng, viết dài… Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”.
Tương tự, Báo Điện tử, xét về số lượng, độ dài của một tác phẩm thì không kém, có thể hơn là đằng khác so với báo in. Nhưng tính chất đa phương tiện của loại hình này, kết hợp giữa văn bản (text) với hình ảnh tĩnh, video clip động và đồ họa trong các dạng thức Long Form, Mega Story đã được các báo khai thác triệt để, góp phần thể hiện sinh động nội dung, làm tôn lên chất lượng, tạo nên sự khác biệt của tác phẩm báo điện tử.
Những tác phẩm “Thảm họa khốc liệt của thiên tai…” (Thông tấn xã Việt Nam), “Đại điền xây ruộng lớn” (Báo Thái Bình), “Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh” (Báo Nông thôn Ngày nay), “Những người lao mình vào thảm họa” (Báo Thanh Niên) khá xuất sắc về nội dung và cách trình bày, đoạt giải cao. Tuy thế, ở đây thiết nghĩ cần ghi nhận một sự khác biệt là tác phẩm khá “khiêm tốn” về độ dài của Báo Hải Dương “Cống Sồi mang nguồn rươi mới” đã lọt vào Chung khảo. Đây là tác phẩm có tính phát hiện về chủ đề người dân và chính quyền đồng thuận làm nông nghiệp xanh, hữu cơ, mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Điều này cho thấy độ ngắn – dài của tác phẩm chưa hẳn là thước đo để đánh giá chất lượng.
Về báo nói, báo hình trong khuôn khổ Giải Báo chí Quốc gia năm 2023, các thành viên Hội đồng sơ khảo và Hội đồng Chung khảo có chung nhận xét là chất lượng các tác phẩm dự thi không chênh nhau là mấy, chất lượng của các địa phương đã tốt lên nhiều, nhiều tác phẩm có tính nghiệp vụ cao, tập trung tìm cái mới, cái khái quát, có sức ảnh hưởng xã hội.
Các cơ quan báo chí, người làm báo đã thể hiện rõ sự dấn thân, đầu tư trí tuệ, làm nên những tác phẩm phóng sự, phóng sự điều tra, phim tài liệu hấp dẫn với cách tiếp cận mới. Các Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên… được đánh giá “đã có những bứt phá ngoạn mục”. Tuy vậy, ở hai loại hình này, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là những cơ quan báo chí chủ chốt, dẫn đầu về số lượng và chất lượng.
Chất lượng ảnh báo chí dự thi năm nay cũng đã tăng lên rõ rệt, mặc dù số lượng tác phẩm dự thi không tăng nhiều, giữ ở mức như những năm trước. Trong Giải năm nay, các tác phẩm vào Chung khảo cho thấy các tay máy đã có sự tìm tòi, ghi lại được những khuôn hình sống động tại các hiện trường nguy hiểm như hỏa hoạn, lũ lụt, bạo loạn… để có những bức hình gây ấn tượng và xúc động đối với công chúng. Nhưng về tổng thể, ảnh cũng như tin, bài dự thi đều có chung một “đặc điểm” là các tác phẩm ảnh đều là những chùm có tới 10 bức ảnh, ít có ảnh đơn hoặc nhóm 2 – 3 ảnh.
Điểm lại như thế để thấy Giải Báo chí Quốc gia chưa thật toàn diện, chưa thu hút được đầy đủ những tác phẩm xuất sắc trong cả một năm miệt mài lao động của các nhà báo. Vẫn còn mong muốn về những tác phẩm báo chí có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, có hình thức thể hiện hấp dẫn, thu hút độc giả, làm lay động trái tim, khối óc công chúng, mặc dù báo chí của chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính là thông tin, tuyên truyền vì sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Các giải báo chí nói chung, Giải Báo chí Quốc gia nói riêng luôn là “sân chơi” bổ ích, đã và đang thu hút hội viên – người làm báo tích cực tham gia, tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, để khẳng định vị trí của người làm báo.
Nhà báo Hà Minh Huệ
Nguồn: https://www.congluan.vn/giai-bao-chi-quoc-gia-lan-thu-xviii–2023-su-vuon-len-ro-net-cua-bao-chi-dia-phuong-va-bao-chi-nganh-post298202.html