Nhà báo Hồ Quang Phương cho rằng, nhìn chung các cơ quan báo chí và những người làm báo đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Trong đó, Giải Báo chí Quốc gia là một thước đo quan trọng về chất lượng của nền báo chí cách mạng Việt Nam, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, đã có tác động tích cực đối với định hướng chính trị và ý thức nghề nghiệp của các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Phó Trưởng phòng Kinh tế – Xã hội – Nội chính, Báo Quân đội nhân dân Hồ Quang Phương nhấn mạnh, trong suốt 17 năm qua của Giải Báo chí Quốc gia, đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí, hàng nghìn nhà báo, người viết báo được trao giải. Giải Báo chí Quốc gia thực sự là một sự tôn vinh nghề nghiệp quý giá thúc đẩy các cơ quan báo chí và các nhà báo nỗ lực hơn nữa để có ngày càng nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Các tác phẩm đạt Giải báo chí quốc gia đã góp phần nhân lên niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội, của nhân dân vào đội ngũ báo chí cách mạng. Giải Báo chí Quốc gia với thể lệ và các tiêu chí của mình đã khiến các cơ quan báo chí nâng cao ý thức, quan tâm hơn tới các đề tài có tầm vóc. Các tác phẩm tham dự giải đã bám sát các chủ đề lớn trong các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước.
Giải thưởng Báo chí Quốc gia đã tôn vinh những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo, đã tích cực đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền, thúc đẩy thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nhiều tác phẩm đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh… quảng bá những mô hình kinh doanh, sản xuất sáng tạo, hiệu quả; tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương nhân ái trong phòng, chống dịch và trong khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội…
Giải thưởng Báo chí Quốc gia đã tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, là tinh thần làm báo có trách nhiệm, dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy vì công bằng, lẽ phải… Nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công… Nhiều hiện tượng tiêu cực, những mặt trái, những góc khuất của cuộc sống đã bị báo chí phanh phui, đấu tranh trực diện.
Các tác phẩm báo chí đạt giải Báo chí Quốc gia còn là những tác phẩm đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước.
Đất nước ta đứng trước nhiều nhiệm vụ to lớn, nhiều thách thức khó lường, đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Do đó, Giải Báo chí Quốc gia ngày càng cần nâng cao hơn nữa giá trị và tầm ảnh hưởng để từ đó thúc đẩy các cơ quan báo chí và những người làm báo phải thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn nữa trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác.
Nhà báo Hồ Quang Phương cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng Giải báo chí Quốc gia, nên quan tâm đến những vấn đề cụ thể sau đây: Thứ nhất, cần phải nâng cao hơn nữa công tác chỉ đạo từ các cấp Hội Nhà báo ở trung ương tới địa phương trong việc đổi mới hoạt động báo chí, gắn hoạt động báo chí với các vấn đề thực tiễn có tầm quan trọng của đất nước và của từng địa phương.
Thứ hai, một tác phẩm báo chí có giá trị là tác phẩm phải có tác động lan tỏa lớn tới công chúng, tới nhóm đối tượng cần tác động, đủ để tạo ra những thay đổi về nhận thức và hành động. Do vậy, khi chấm giải báo chí quốc gia nên chăng cần đo đếm và đánh giá được tác động, hiệu quả thực tế này của các tác phẩm. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ quan báo chí cách mạng tích cực đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng, lan tỏa các sản phẩm báo chí của mình như giải pháp về cách thể hiện tác phẩm, giải pháp về phát hành, giải pháp về công nghệ… Vì vậy, chúng ta nên có thêm hạng mục giải “Tác phẩm báo chí hữu ích, nhiều người xem”.
Thứ ba, thông tin báo chí có tính kiến tạo, có tính dẫn dắt, chính là một nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, cần phải quan tâm, đầu tư cho nguồn lực rất quan trọng này. Giải Báo chí Quốc gia cần được tăng cường đầu tư hơn nữa từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để thực sự trở thành giải thưởng lớn nhất về báo chí, xét cả về khía cạnh vật chất và giá trị tinh thần.
Thứ tư, hiện nay chúng ta chỉ chú ý đến việc xét giải các tác phẩm báo chí và công bố giải, chứ chưa thực sự chú ý đến việc quảng bá, lan tỏa các tác phẩm đạt Giải Báo chí Quốc gia. Mà trong khi quảng bá các tác phẩm có giá trị là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Do đó cần tập hợp các tác phẩm đạt giải cao để in ấn, phát hành và lan tỏa trên các kênh truyền thông.
Giải Báo chí Quốc gia chính là thuốc bổ để khuyến khích, tạo động lực cho các cơ quan báo chí và nhà báo để báo chí làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực sự là diễn đàn của nhân dân, là kênh cung cấp thông tin cho các cơ quan Ðảng, chính quyền các cấp về dư luận trong xã hội, về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân… xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của độc giả. Nhà báo Hồ Quang Phương cho rằng, trong thời gian tới cần phải tiếp tục quảng bá và nâng tầm ảnh hưởng của Giải Báo chí Quốc gia đối với đội ngũ những người làm báo và xã hội.
Trần Phong – Sơn Hải