Trưởng khoa Báo chí Truyền thông Phan Quốc Hải: Đề tài phải có tầm và đầu tư sâu
Lần đầu tiên chấm giải BC Hải Triều, tôi như được “nghe” các tác giả ở đây nói về nghề với nhiều giọng điệu, cung bậc, cách tiếp cận. Về chất lượng, theo tôi, không thua kém gì nhiều so với các tác phẩm dự giải BC quốc gia. Các bình diện cuộc sống được phản ánh phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Chất lượng nghiệp vụ qua tác phẩm thuộc top trên của BC các địa phương trong cả nước.
Giải năm nay cũng ghi nhận sự tham gia vượt trội về số lượng của nhiều cộng tác viên và các nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương. Điều đó cho thấy quy mô của giải là rất lớn, thể hiện được tầm vóc, giá trị và được sự quan tâm, ghi nhận trong đời sống báo chí nước nhà.
Các tác phẩm có đề tài phản ánh phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm đã “chạm” tới được những vấn đề nóng bỏng, bức thiết. Trên hết là tâm tư của người dân được các tác giả chuyển tải sinh động, kịp thời lên mặt báo, sóng phát thanh, truyền hình.
Điểm mới là số bài dự thi có nội dung phản ánh về các quyết sách, chính sách của Đảng, chính quyền và những hiệu quả, tính tích cực của các quyết sách đó với sự phát triển đời sống xã hội có số lượng khá lớn. Ngoài ra, các tác phẩm dự giải lần này cũng rất chú trọng phản ánh những mô hình, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhằm đồng hành với chính quyền và người dân trong tuyên truyền, cổ vũ, vận động, hưởng ứng cái mới, cái tích cực. Điều này cho thấy sự lựa chọn và đổi mới nội dung thông tin của báo chí tỉnh nhà đã có bước phát triển mới, hướng đến một hoạt động báo chí kiến tạo, công bằng, cân bằng và có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên để cạnh tranh “ngang ngửa” với các tác phẩm dự giải quốc gia, theo tôi là chọn đề tài có tầm và đầu tư sâu. Đề tài cần được mở rộng, phản ánh những vấn đề thời sự, có ý nghĩa xã hội, có tầm vóc, quy mô, tác động không chỉ trong phạm vi công chúng Thừa Thiên Huế mà còn trên cả nước. Phương thức thể hiện cũng cần đầu tư với cách trình bày hiện đại, vận dụng sự hỗ trợ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo – AI, giúp công chúng tiếp cận thông tin theo những hình thức mới nhất, hiệu quả nhất.
Nhà báo Minh Tự: Báo điện tử nổi trội về chất lượng
Các tác phẩm dự giải BC Hải Triều lần này đã phản ánh đúng hoạt động của báo chí Thừa Thiên Huế trong năm qua, cả mặt tích cực lẫn hạn chế. Báo in và báo hình là hai loại hình báo chí truyền thống, luôn chiếm số lượng lớn tác phẩm dự thi, tuy nhiên cũng đã cũ đi theo hai chữ “truyền thống”. Điều đó cho thấy, báo in và báo hình phải nỗ lực làm mới, từ việc chọn đề tài, góc nhìn, cách tiếp cận và nhất là cách thể hiện.
Năm nay, đề tài chủ yếu vẫn là những “đặc sản” của Huế: di tích, áo dài, thành phố di sản… Trong khi đó, rất tiếc khi không có nhiều tác phẩm bám sát những vấn đề bức xúc của đời sống thường nhật mà người dân quan tâm: thực phẩm mất an toàn, thiếu thuốc để điều trị trong lúc ngành y tế gặp khó, tội phạm công nghệ cao hoành hành, cạm bẫy đầy rẫy trên mạng xã hội, nạn tham nhũng và lãng phí…
Bất ngờ là dù có số lượng dự thi ít, nhưng các tác phẩm báo điện tử lại nổi trội về chất lượng. Điều này phản ánh đúng xu hướng báo chí hiện nay. Ở các tác phẩm này tôi thấy rõ có sự chú tâm đầu tư công sức của các tác giả, từ việc chọn vấn đề, tìm kiếm giải pháp, chăm chút cho hình thức. Tôi ấn tượng với những tác phẩm thể loại megastory: Khơi tiềm năng, tăng nguồn lực cho phá Tam Giang, Định vị mai vàng Huế trở thành quốc bảo, Cồn Hến – nỗi khát khao 25 năm bên kia kinh thành… Theo đó, nếu tiếp tục đầu tư sâu, báo điện tử sẽ còn gặt hái nhiều kết quả tốt hơn nữa.
Những năm qua, BC Thừa Thiên Huế chưa đạt được giải cao ở Giải BC quốc gia là do đề tài mang nặng tính địa phương. Giải quốc gia thì đề tài phải là vấn đề của quốc gia. Vấn đề quốc gia nhưng được kể từ câu chuyện cụ thể của địa phương, bằng góc nhìn riêng của nhà báo Huế. Tác phẩm đoạt giải cao ở bất cứ cuộc thi nào cũng là tác phẩm mang giá trị khác biệt. Nhưng, giá trị khác biệt không phải là tính địa phương.
Khác biệt về góc nhìn, nhưng phải nổi trội về cách thức thể hiện. Để đạt được điều đó, đòi hỏi nhà báo Huế phải đổi mới hẳn về phong cách. Từ cách thâm nhập thực tế một cách chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, cho đến những việc cụ thể như đặt tít bài thu hút, dùng tiếng Việt ngắn gọn, súc tích, cách tạo hình ảnh độc đáo, sáng tạo…
Đạo diễn Nguyễn Vinh Quang: Cần sự dấn thân và thể hiện phong cách riêng
Lần đầu tiên tham gia BGK Giải BC Hải Triều, tôi thật sự ấn tượng với số lượng khá nhiều tác phẩm lọt vào chung khảo (41 tác phẩm), so với một số giải BC ở các địa phương khác. Trong đó, các tác phẩm đề cập đến những vấn đề “hiện đại và nóng” chiếm tỷ lệ lớn (di cư thủy điện đầm phá, di dân kinh thành Huế, chuyển đổi số, hạ tầng nước thải, nhà ở xã hội, phá rừng, giữ rừng, bão lụt, sạt lở…), bên cạnh những đề tài “đậm chất” Huế (áo dài, du lịch, kiến trúc, nhà cổ, làng nghề, mai vàng).
Nhiều tác phẩm báo in thể hiện công phu, chắt lọc số liệu tốt để độc giả dễ đối sánh, văn phong gãy gọn, truyền cảm. Nhiều tác phẩm đề cập đến những vấn đề lớn của đất nước qua thực tiễn triển khai ở địa phương như Nghị quyết 54 của Bộ Chính Trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chuyển đổi số, nhà ở xã hội, nước thải, y tế cơ sở… góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập và “hiến kế” cho Chính quyền triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch của địa phương và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tác phẩm báo in sử dụng hình ảnh cho bài viết thiếu ấn tượng, cảm xúc và nặng tính “minh họa”.
Phát thanh là thể loại khá đặc thù, chỉ các đơn vị “sở hữu” thể loại này (VOV, Đài Phát thanh Truyền hình – PTTH), nên dễ hiểu khi số lượng các tác phẩm tham gia ít, chất lượng không đồng đều. Tuy nhiên, đây lại là “sân chơi” có thể tập trung để tham dự các giải báo chí quốc gia, nếu biết khai thác đề tài và thể hiện sinh động theo phong cách làm phát thanh hiện đại.
Nhóm tác phẩm Truyền hình lọt vào vòng chung khảo ghi nhận sự góp mặt của các đơn vị VTV8, Truyền hình Quốc hội… bên cạnh sự “áp đảo” về số lượng của đơn vị Đài PTTH Thừa Thiên Huế, đã tạo thêm sự đa dạng về nội dung phản ánh cho Giải Báo chí Hải Triều lần này.
Thể loại phóng sự và phim tài liệu luôn đòi hỏi sự “dấn thân” và “hiện diện” của tác giả, đạo diễn trong mỗi sự kiện… Vì thế dễ dàng nhận thấy, bên cạnh một số tác phẩm đầu tư công phu, tác giả “lăn lộn” với hiện trường, trăn trở với đề tài; thể hiện được “phong cách” riêng, tạo được cảm xúc, ấn tượng cho tác phẩm (định cư dân thủy điện đầm phá; phá rừng ở Nam Đông, Tết của những người giữ rừng, Huế xứ sở hạnh phúc…) thì còn không ít phóng sự thể hiện chung chung, hời hợi… Rất tiếc có tác phẩm chỉ dừng lại ở mức độ “phản ánh”(phá rừng ở Nam Đông) thay vì triển khai nhiều kỳ hoặc phát triển thành phim tài liệu (nếu đủ chất liệu?).
Phim tài liệu và phóng sự ngày một đổi mới về phương thức thể hiện, gần gũi với khán giả hơn, hướng đến với nhiều đối tượng hơn, đề tài rộng mở hơn. Vì thế đây luôn là mảnh đất “màu mỡ” cho cho các đạo diễn, tác giả muốn dấn thân và đi đến tận cùng vấn đề… tham gia vào các “sân chơi” liên hoan Truyền hình và các giải báo chí quốc gia.