(LĐXH) – Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là định hướng chính sách đúng đắn, góp phần đáp ứng nhu cầu an cư của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Hiện NƠXH sử dụng 2 nguồn vốn là gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tự cân đối vốn và vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP về NƠXH từ ngân sách. Tuy nhiên, gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng chưa được khai thác triệt để khiến kết quả triển khai NƠXH vẫn xa rời mục tiêu đề ra.
Kết quả cách xa mục tiêu
Tại báo cáo tổng kết công tác năm 2024, Bộ Xây dựng thông tin về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, cả nước không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn NƠXH trong năm 2024 mà mới chỉ hoàn thành 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 644 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn. Trong đó, số lượng hoàn thành là 96 dự án với quy mô hơn 57.600 căn; số dự án đã khởi công xây dựng là 133 với quy mô hơn 110.200 căn; số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 với quy mô hơn 412.200 căn.
Hiện NƠXH sử dụng 2 nguồn vốn là gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tự cân đối vốn và vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP về NƠXH từ ngân sách. Tuy nhiên, gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng chưa được khai thác triệt để.
Theo báo cáo quý III của Bộ Xây dựng, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.783 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,5% tổng vốn. Trong đó, khoảng 1.633 tỷ đồng đã tiếp cận tới 15 dự án; khoảng 150 tỷ đồng còn lại đến từ người vay mua nhà.
Ông Huỳnh Minh Khang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Sở đang tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ hoàn thành là 7.700 căn, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 3.100 căn, giai đoạn 2025 – 2030 khoảng 4.600 căn.
Giai đoạn 2020 – 2023, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 5 dự án NƠXH, trong đó 2 dự án độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 – 2021 với diện tích hơn 11ha với 3.100 căn. 2 dự án này đang triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết nên chưa khởi công xây dựng. Ngoài ra, còn 3 dự án NƠXH từ quỹ đất 20% dự án thương mại, khu đô thị với diện tích 6,33ha gồm 2.477 căn.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, phần đầu tư NƠXH của dự án thương mại không tách khỏi tổng thể dự án nên không đủ điều kiện để tỉnh công bố theo quy định. Đó cũng là lý do dự án này không được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của các ngân hàng. Mà muốn tiếp cận gói tín dụng, dự án NƠXH phải đủ điều kiện để UBND tỉnh công bố và để đạt điều này phải có dự án triển khai.
Đề xuất gói tín dụng mới cho NƠXH
Để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Xây dựng cho rằng cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ đang dự thảo nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nhu cầu vốn, để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa NƠXH.
Tiêu chí, điều kiện vay của gói sẽ áp dụng theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Theo đó, người dân sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua NƠXH; trường hợp xây mới, sửa chữa được vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng; lãi suất sẽ bằng mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ (hiện là 6,6%/năm);
Thời hạn vay tối đa 25 năm. Thời gian giải ngân gói tín dụng này sẽ kéo dài cho đến khi hết, tuy nhiên sẽ không vượt quá ngày 31/12/2030. Về lộ trình thực hiện, dự kiến trong giai đoạn 2025 – 2029, mỗi năm sẽ giải ngân khoảng 16.500 tỷ đồng. Riêng năm 2030, số tiền giải ngân sẽ là 17.500 tỷ đồng.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, về lâu dài, nguồn vốn phát triển NƠXH cần các gói tín dụng khả thi hơn. Nhìn lại gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, sự thất bại một phần là do tiền vẫn từ nguồn ngân hàng thương mại. Họ phải trừ lợi nhuận để giảm lãi suất nên không thể giảm quá nhiều như ngân hàng nhà nước.
Hiện, Chính phủ đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay NƠXH từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Theo dự thảo nghị quyết lấy ý kiến, gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê, xây dựng NƠXH sẽ thực hiện tới năm 2030.
Vừa qua, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34 yêu cầu Chính phủ nghiên cứu quỹ phát triển NƠXH với nguồn ngân sách chứ không phải từ ngân hàng là tín hiệu tích cực.
Về phía ngân hàng, cần xem lại lãi suất vay đối với nhóm thu nhập thấp sao cho thật sự ưu đãi và giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Lãi suất vay NƠXH tại một số ngân hàng vẫn quá cao so với thu nhập của người dân khiến họ khó vay mua nhà. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy và không coi NƠXH là việc “làm cho xong”.
Dự án NƠXH phải đảm bảo chất lượng sống cao và đầy đủ tiện ích như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ. Mặt khác, chủ đầu tư phải cam kết về tiến độ xây dựng để dự án không bị chậm trễ hoặc bỏ hoang.
“Người dân cần chủ động tích lũy và lập kế hoạch tài chính dài hạn để sở hữu NƠXH dù chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các ngân hàng có thể chưa hoàn hảo. Nếu không có sự chủ động, giấc mơ an cư sẽ khó thành hiện thực”, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 1
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/giai-bai-toan-von-cho-nha-o-xa-hoi-20250101135044892.htm