Hướng tới nền kinh tế xuất khẩu là chủ đạo, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, 1 phần nguyên nhân do còn mông lung về quy tắc cộng gộp xuất xứ.
Đa số doanh nghiệp “ngại” quy tắc xuất xứ
Một trong những “chìa khóa” vô cùng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đó là tuân thủ các quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nẵm rõ được các quy định, cam kết.
Hiện Việt Nam ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 FTA. Trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi và 3 FTA đang đàm phán vì thế hiểu rõ và áp dụng hiệu quả quy tắc cộng gộp là yêu cầu cấp thiết đối với cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thành công.
Trao đổi cụ thể với phóng viên, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, quy tắc cộng gộp xuất xứ là một cơ chế trong thương mại quốc tế, cho phép các thành viên trong một khối FTA được kết hợp nguyên liệu đầu vào từ các thành viên khác trong khối như thể nguyên liệu đó có nguồn gốc từ chính thành viên đó. Hay nói cách khác, hàng hóa được sản xuất tại một thành viên tham gia FTA, sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ một hoặc nhiều thành viên khác, vẫn được coi là có xuất xứ từ thành viên sản xuất cuối cùng và được hưởng ưu đãi đặc biệt thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên khác trong khối.
“Có thể khẳng định, quy tắc cộng gộp xuất xứ sẽ giúp thúc đẩy thương mại nội khối, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, thông quan đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của các nước thành viên tham gia các FTA”, ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều lợi ích là thế, nhưng đến nay, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nước ta chưa nắm rõ và tận dụng hiệu quả quy tắc cộng gộp xuất xứ. Thậm chí, các doanh nghiệp còn khá “ngại” quy tắc xuất xứ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), trong quá trình trao đổi, chúng tôi nhận thấy, không ít doanh nghiệp nước ta còn lúng túng về các quy tắc liên quan tới xuất xứ hàng hoá.
Đơn cử như trong Hiệp định EVFTA, quy tắc xuất xứ hàng hóa về cụ thể các mặt hàng được xây dựng danh mục theo mã HS 2 số. Điều này khác biệt so với một số FTA khác mà nước ta tham gia có danh mục ở cấp độ HS 6 số. Bên cạnh đó, hiệp định này còn có quy định mới về cộng gộp mở rộng xuất xứ hay quy định hàng hóa vẫn giữ nguyên xuất xứ sau khi được chia nhỏ lô tại nước không thuộc hiệp định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không hiểu, không nắm bắt được để có thể tận dụng.
Bên cạnh đó, đối với Hiệp định RCEP, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, quy tắc xuất xứ trong hiệp định là lợi thế, là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam. RCEP đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực và tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại…làmtăng tỉ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.
Đáng chú ý, đại diện Cục Xuất nhẩu cho biết thêm, đến nay, nhiều doanh nghiệp còn bị nhầm lẫn giữa các khái niệm về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA với khái niệm “Made in Vietnam”. Với điều này, rõ ràng chúng ta cần phải hiểu, sản phẩm có gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa hẳn đã có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam. Ngược lại một lô hàng xuất khẩu có C/O chưa chắc gắn mác “Made in Vietnam.
Trong “sân chơi” FTA, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều phải nắm được “luật chơi”
Các loại quy tắc cộng gộp là cộng gộp song phương, cộng gộp khu vực và cộng gộp toàn phần.
Theo các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam tận dụng thành công cơ hội đến từ các FTA đã ký kết, chủ động trong “sân chơi” FTA thìcả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều phải nắm được “luật chơi”.
“Trước hết, bên cạnh việc nắm bắt được thông tin về cơ hội cũng như những tác động bất lợi để có sự chuẩn bị thích ứng thì doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ cam kết của các FTA. Đặc biệt là các cam kết liên quan đến lĩnh vực sản xuất – kinh doanh của mình, nhất là quy định về quy tắc xuất xứ”,Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khuyến nghị.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, Hiệp hội ngành hàng cần nắm rõ các quy định vềquy tắc cộng gộp xuất xứ cũng như các yêu cầu về thủ tục liên quan; cập nhật thường xuyênthông tin thay đổi, quy định mới…nhằm giúp các cơ quan thực hiện đúng các cam kết quốc tế trong khuôn khổ FTA, góp phần duy trì môi trường thương mại tự do, công bằng và minh bạch; hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả nhất.
“Hiểu rõ và áp dụng hiệu quả quy tắc cộng gộp xuất xứ là vô cùng cần thiết đối với cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Việc nắm vững kiến thức về quy tắc này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đồng thời giúp tránh được rủi ro pháp lý và tối ưu hóa lợi ích kinh tế”, đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, mới đây Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã công bố một nghiên cứu chuyên sâu về quy tắc cộng gộp xuất xứ. Nghiên cứu này xem xét kỹ lưỡng các điều khoản cộng gộp trong các FTA hiện có và giới thiệu thực tiễn quản lý của các cơ quan Hải quan thành viên WCO liên quan đến quy tắc xuất xứ cộng gộp.
Đối với ngành Hải quan việc nắm rõ quy tắc cộng gộp giúp cơ quan hải quan xác định chính xác xuất xứ hàng hóa, áp dụng đúng thuế suất ưu đãi và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại như khai báo xuất xứ sai lệch để hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin hướng dẫn rõ ràng về quy tắc cộng gộp để giúp doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng đúng quy định, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc nắm vững quy tắc cộng gộp giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế từ FTA, giảm thiểu chi phí thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên trong khối. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có mở rộng nguồn cung ứng nguyên liệu, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nguồn cung ứng nguyên liệu từ các nước thành viên tham gia các FTA, từ đó tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, áp dụng đúng quy tắc cộng gộp giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín với cơ quan chức năng và đối tác quốc tế, từ đó nâng cao hình ảnh và thương hiệu cho doanh nghiệp.
Theo VTV
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/giai-bai-toan-ve-quy-tac-cong-gop-xuat-xu-de-toi-uu-hoa-loi-ich-tu-cac-fta/20240724120119134