Nhân lực làm chủ công nghệ AI – nhiều thách thức
Sự xuất hiện của AI đã khiến cho những nhà báo vừa khấp khởi mừng vừa chộn rộn lo. AI không chỉ hỗ trợ trong việc tự động hóa quy trình sản xuất nội dung mà còn đóng góp vào việc phân tích dữ liệu, cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Như nhận định của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: “Các công nghệ AI nếu được ứng dụng và triển khai sớm để tranh thủ tối đa sức mạnh, có thể tác động tích cực giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững”. Nhưng AI cũng vừa là thách thức lớn, từ quản trị sản xuất nội dung đến đạo đức báo chí và các yếu tố pháp lý. Và ở góc độ đào tạo nguồn lực, chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đã đặt ra nhiều sức ép đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng báo chí.
Nhà báo Võ Hùng Thuật – Giám đốc Trung tâm truyền thông Báo Tuổi Trẻ cho rằng, ngành báo chí và mô hình hoạt động đã và đang thay đổi sâu sắc. Nhưng hoạt động đào tạo báo chí hiện nay vẫn đang đi theo hướng tiếp cận rèn luyện nghiệp vụ. Chương trình đào tạo tập trung nhiều vào các khối kiến thức truyền thống… Chưa kể nhiều trường đại học vẫn sử dụng giáo trình cũ, không phản ánh được thực tế của ngành báo chí hiện đại.
Một số trường quá nghiêng về sử dụng giảng viên chủ yếu có kinh nghiệm nghiên cứu, dẫn đến việc giảng dạy thiếu tính thực tiễn hoặc ngược lại quá thiên về giảng viên chỉ có kinh nghiệm thực tiễn, thiếu kiến thức tổng quát. Những môn học về lập trình, phân tích dữ liệu gần như trống vắng. Vì vậy, sinh viên báo chí thường thiếu kiến thức cơ bản về công nghệ, hạn chế khả năng làm việc với các công cụ báo chí số hiện đại. Đặc biệt là AI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, xử lý và tạo nội dung báo chí, nhưng chưa được đưa vào chương trình đào tạo một cách bài bản.
Cũng đồng quan điểm này, nhà báo Nguyễn Phú Huân – BTV Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo báo chí còn chưa làm chủ được công nghệ AI và chưa xây dựng được đội ngũ nhà báo đa năng, dẫn đến sự thiếu hụt kỹ năng và kiến thức cần thiết trong thời đại số. Và khi mà AI trở thành một phần không thể thiếu của báo chí, vấn đề đào tạo phóng viên trong tình hình mới đang trở nên cấp thiết nếu không muốn vị thế của báo chí vốn tồn tại hàng trăm năm qua trở nên lung lay và nguy cơ mất việc đe dọa từng nhà báo…
Bên cạnh thách thức ở các cơ sở đào tạo thì theo nhà báo Phú Huân nêu thực tế là quá trình đào tạo bồi dưỡng cho phóng viên qua các khoá tập huấn ngắn hạn cũng gặp không ít khó khăn. Ông cho rằng, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, hoặc một số cơ quan báo chí, kể cả những cơ quan báo chí địa phương đã rất chú trọng, chủ động tổ chức các khoá tập huấn cho phóng viên, biên tập viên về việc ứng dụng AI trong hoạt động báo chí.
Đơn cử như Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng, theo kế hoạch năm 2024, Hội này đăng ký với Trung tâm sẽ tổ chức khoảng 4 lớp tập huấn bồi dưỡng, trong đó nội dung chính là tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tác nghiệp. Dù vậy, thực tiễn cho thấy hoạt động đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí từ nhiệm vụ công tác Hội đang diễn ra một cách nhỏ lẻ. Hiện có gần 25 nghìn phóng viên đã được cấp thẻ, chưa kể những người đang làm báo mà chưa được cấp thẻ, trong khi mỗi lớp chỉ có khoảng 2 -3 học viên. Đó là chưa kể, AI là một vấn đề mới với rất nhiều kỹ năng cần trang bị, trong khi thời gian cho những khoá tập huấn về chủ đề này thường ngắn ngày chỉ từ 3 đến 4 buổi tập huấn trong 2 ngày.
Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ giảng viên phục vụ cho các lớp tập huấn cũng chưa thật sự đồng đều về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm truyền đạt, tính khoa học và thực tiễn trong các bài giảng. Điều này cho thấy việc đào tạo bồi dưỡng phóng viên trong công tác này vẫn còn ở bước đầu, cần được tiếp tục quan tâm, điều chỉnh và hoàn thiện.
Lời giải nào cho đào tạo nguồn nhân lực phù hợp
Trao đổi về giải pháp, các nhà báo đều cho rằng, bài toán đẩy mạnh chất lượng nguồn lực là rất quan trọng. Chính vì vậy, nhà báo Võ Hùng Thuật nhấn mạnh đến yêu cầu: “Phải thay đổi ngay nội dung và phương pháp đào tạo để trong tương lai gần, những người làm báo cần phải được trang bị những kỹ năng cần thiết. Đầu tiên và quan trọng nhất là kỹ năng sáng tạo nội dung. Người làm báo cần nắm rõ những nguyên tắc nội dung để sáng tạo tác phẩm, sản phẩm phù hợp với từng kênh truyền tải khác nhau. Nhà báo cần khả năng tạo ra những nội dung độc đáo, có giá trị và khác biệt so với nội dung do AI tạo ra. Tiếp đó là kỹ năng số, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kinh doanh”.
Nhà báo Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông Báo Người Lao Động (TP.HCM) – Giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí – Truyền thông – Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng với thực tiễn toà soạn đã đưa ra lời giải cho việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ông Thanh Tùng đề xuất, các Trường, các Trung tâm đào tạo báo chí cần xây dựng, cập nhật các nội dung mới trong giảng dạy cho người học về ứng dụng công nghệ AI trong báo chí.
Cụ thể: Tăng cường các nội dung mới về đạo đức báo chí và các chuẩn mực khi làm việc với công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI. Tức là cần có những nội dung cập nhật làm cho người học hiểu rõ sự cần thiết phải tuân thủ các quy tắc đạo đức khi khai thác và sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI, đồng thời nắm được những nguyên tắc, cách thức vận dụng chúng một cách linh hoạt trước những tình huống cụ thể có thể nảy sinh trong thực tế. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị mới hoặc cập nhật các kiến thức chuyên môn về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo như: hệ thống báo chí hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường…
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị báo chí, các công ty truyền thông hướng dẫn thực tập, tăng cường các bài tập thực hành cho sinh viên để tạo các sản phẩm báo chí ứng dụng AI một cách cụ thể như: Áp dụng nguyên lý hoạt động của trí tuệ nhân tạo tạo sinh và kỹ thuật tạo lời nhắc (prompt engineering) để khai thác hiệu quả các công cụ AI nâng cao hiệu ứng hình ảnh và video; sử dụng AI tạo ra các bản tin bằng văn bản, podcast; sử dụng AI và các công cụ hỗ trợ để tạo ra các video/clip ngắn từ hiện trường; sử dụng AI để tổng hợp, phân tích dữ liệu tạo thành chuỗi sự kiện để tạo các bản tin infographic, các biểu đồ…
Song song đó, ông Tùng cũng cho rằng, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam và các đơn vị có chức năng khác cần tiếp tục xây dựng và triển khai các khóa học, chương trình đào tạo ngắn hạn theo hướng cập nhật những công nghệ mới thiết thực, cụ thể để bồi dưỡng, nâng cao năng lực về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí cho đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí, nhất là các báo, đài địa phương vốn ít điều kiện hơn các Trung tâm lớn trong tiếp cận AI.
Có thể nói, những đề xuất trong công tác đào tạo về Al luôn cần có sự phối hợp giữa sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng của Nhà nước, của Hội Nhà báo Việt Nam; sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo báo chí, các nhà trường và nhà tuyển dụng là các cơ quan báo chí- truyền thông. Đó là một bài toán khó và cần cả một lộ trình dài với nhiều việc phải làm. Song trước mắt, việc tăng cường, đổi mới nội dung đào tạo là cần thiết cho những người làm báo nếu muốn sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho công việc của mình trong tương lai, giúp họ chủ động, nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới trong hoạt động tác nghiệp…
Sông Mây
Nguồn: https://www.congluan.vn/giai-bai-toan-nguon-luc-cho-ky-nguyen-ai-post308738.html