Điện hạt nhân đã trở thành một phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia, trong đó Pháp là một trong những ví dụ điển hình.
Pháp có khoảng 70% điện năng sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân. (Nguồn: EDF) |
Với khoảng 70% điện năng sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân, Pháp đã xây dựng một hệ thống năng lượng độc đáo, khác biệt so với nhiều quốc gia châu Âu và thế giới. Điện hạt nhân mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với Pháp. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu điện hạt nhân có còn là giải pháp bền vững cho tương lai của quốc gia này hay không?
Điện hạt nhân là giải pháp bền vững?
Trên thực tế, nhiều năm qua, tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu, năng lượng hạt nhân thường bị coi là một vấn đề hơn là một giải pháp. Tuy nhiên, áp lực từ sự nóng lên toàn cầu và nhu cầu điện sạch ngày càng gia tăng đang khiến mọi thứ dần thay đổi.
Trở về với nước Pháp, điện hạt nhân được chính thức phát triển từ những năm 1970, sau cú sốc năng lượng toàn cầu. Việc xây dựng một hệ thống điện hạt nhân mạnh mẽ đã giúp Pháp giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Điều này không chỉ giúp Pháp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn giúp ổn định nền kinh tế.
Một trong những lợi ích nổi bật của điện hạt nhân là khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc sử dụng điện hạt nhân là một trong những giải pháp thay thế hiệu quả cho các nguồn năng lượng hóa thạch. Các nhà máy điện hạt nhân Pháp hoạt động với mức độ phát thải CO2 gần như bằng không, giúp quốc gia này thực hiện cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris 2015.
Ngoài ra, điện hạt nhân còn mang lại lợi ích về mặt kinh tế. Việc duy trì một ngành công nghiệp điện hạt nhân lớn tạo ra hàng nghìn việc làm và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao. Pháp cũng thành công trong việc xuất khẩu năng lượng hạt nhân sang các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng châu Âu.
Tuy nhiên, điện hạt nhân không phải là một giải pháp hoàn hảo. Vấn đề an toàn là một trong những yếu tố được chú trọng hàng đầu trong việc vận hành nhà máy điện hạt nhân. Các sự cố hạt nhân lớn như thảm họa Chernobyl (1986) và Fukushima (2011) đã làm gia tăng lo ngại về độ an toàn của các cơ sở hạt nhân. Mặc dù Pháp được cho là có một trong những hệ thống an toàn nghiêm ngặt nhất, nhưng các sự cố có thể xảy ra trong tương lai vẫn không thể xem nhẹ.
Một vấn đề khác là chi phí bảo trì và xử lý chất thải hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân cần được bảo trì định kỳ để đảm bảo an toàn và hiệu suất hoạt động. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải hạt nhân vẫn chưa có lời giải hoàn hảo. Các chất thải này có độ phóng xạ cao và cần được lưu trữ trong các khoang an toàn trong hàng nghìn năm. Điều này đặt ra gánh nặng tài chính và môi trường cho đất nước trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra là liệu Pháp có thể duy trì và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân một cách bền vững? Khi nhiều nhà máy điện hạt nhân đã đi vào hoạt động từ những năm 1980 và đang đối mặt với tình trạng lão hóa. Việc gia hạn thời gian hoạt động cho những nhà máy này yêu cầu các cuộc kiểm tra an toàn nghiêm ngặt và đầu tư tài chính khổng lồ vào nâng cấp công nghệ… vấn đề không phải lúc nào cũng dễ dàng và khả thi.
Chuyển hướng sang năng lượng tái tạo đến đâu?
Năng lượng hạt nhân hiện vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà hoạt động môi trường vì các đặc điểm như chi phí cao và rủi ro chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu đang muốn xem xét lại vấn đề này.
Năm 2023, tại Hội nghị về khí hậu (COP28) ở UAE, lần đầu tiên 22 quốc gia đã cam kết tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân trên thế giới vào giữa thế kỷ này nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Hội nghị COP29 ở Azerbaijan cũng ghi nhận thêm sáu quốc gia khác ký cam kết.
Các quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân khá đa dạng, từ những nước đã sử dụng công nghệ này từ lâu như Canada, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ, cho tới những nền kinh tế hiện không có bất kỳ năng lực hạt nhân nào như Kenya, Mông Cổ và Nigeria.
Tại Đông Nam Á, điện hạt nhân đang được chú ý trở lại, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, dù khu vực lâu nay vẫn tồn tại một số thách thức lớn về an toàn, chi phí, nhận thức cộng đồng và cả thiếu hụt nguồn lực chuyên môn.
Bài toán nan giải là vừa đạt mục tiêu giảm phát thải, mà vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Tại Anh, Mỹ, “lời giải” của các chính trị gia và doanh nghiệp khi muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là cần một nguồn điện không phát thải carbon ổn định để bổ sung cho năng lượng mặt trời và gió, vốn không phải lúc nào cũng sẵn có.
Như nhiều quốc gia khác, bài toán điện hạt nhân ở Pháp vẫn là vấn đề phức tạp, đan xen giữa lợi ích rõ ràng về mặt kinh tế và môi trường, cùng với thách thức lớn về an toàn, chi phí và sự bền vững. Các chuyên gia cho rằng, Pháp cần một sự kết hợp hợp lý giữa điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, hướng tới một hệ thống năng lượng đa dạng và bền vững hơn, bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai.
“Một cánh cửa hy vọng” có vẻ đang dần mở ra, khi bên lề Hội nghị COP29, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) đã ký biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu Net Zero.
Ngân hàng thế giới (WB) đã không tài trợ cho một dự án hạt nhân nào kể từ năm 1959, nhưng áp lực đang gia tăng có thể khiến tình hình thay đổi.
Tổng giám đốc Hiệp hội hạt nhân thế giới, TS. Sama Bilbao y Leon cho biết, tài chính vẫn là thách thức lớn đối với các dự án hạt nhân. “Một vài ý kiến về việc WB nên hỗ trợ dự án năng lượng hạt nhân có thể không có nhiều tác động, nhưng nếu hàng chục quốc gia nói họ quan tâm đến phát triển nguồn năng lượng này, đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/giai-bai-toan-dien-hat-nhan-tim-diem-can-bang-va-ben-vung-296228.html