TP – Tuyến đường sắt đô thị (metro) đầu tiên của TPHCM (Tuyến số 1, lộ trình Bến Thành – Suối Tiên) tuy dài chưa đến 20km nhưng có quá nhiều trắc trở trong quá trình triển khai thực hiện.
Năm 2007, dự án chính thức được khởi động trong niềm hân hoan của người dân và chính quyền TPHCM với tổng kinh phí dự kiến là 17.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 8/2012, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng. Theo dự kiến ban đầu, dự án hoàn thành sau 6 năm nhưng rồi giấc mơ được đi loại phương tiện vận chuyển hiện đại này của người dân cứ kéo dài do vướng giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3A và 4.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là đơn vị tư vấn của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại thì mức kinh phí của dự án đội lên khoảng 47.325 tỷ đồng. Việc điều chỉnh vốn đầu tư tăng cao gấp hơn 2,7 lần so với phê duyệt ban đầu là việc vô cùng khó khăn nhất là khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc UBND TPHCM điều chỉnh dự án là không tuân thủ đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền.
Trong quá trình xem xét phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền, dự án không được cấp vốn và UBND TPHCM buộc phải tạm ứng từ ngân sách khiến việc thanh toán cho các nhà thầu thi công, tư vấn chậm trễ, gây căng thẳng giữa nhà thầu, tư vấn và chủ đầu tư.
Chưa hết, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư tự ý cho điều chỉnh thiết kế độ dày tường vây hầm metro của gói thầu CP1a từ 2m xuống 1,5m không đúng quy định. Những căng thẳng với các nhà thầu về việc chậm thanh toán khối lượng thi công hoàn thành giải quyết chưa xong thì phó ban rồi trưởng ban Quản lý dự án và gần 50 cán bộ nhân viên ồ ạt xin nghỉ việc.
Những hệ lụy phát sinh chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến dự án chưa về đến đích nhưng hiện tại đã chính thức hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư (bị đơn) với các nhà thầu chính (nguyên đơn) bao gồm 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo – Cienco 6 (Liên danh SCC) thi công gói thầu CP2 và 1 vụ kiện với Nhà thầu Hitachi (gói thầu CP3) với tổng số khoảng 300 khiếu nại và tổng giá trị khiếu nại khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh (43.757 tỷ đồng).
Là một trong những dự án lớn được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản với nhiều quy định chưa từng có tiền lệ, không thể phủ nhận những khó khăn trong việc triển khai dự án là khó tránh khỏi, nhất là TPHCM nói riêng chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, có một thực tế là trong giai đoạn dự án gặp “khủng hoảng” về nguồn vốn thanh toán, vì nhiều lý do, có thời điểm, việc giải quyết tình huống của chủ đầu tư còn cứng nhắc, gây không ít ức chế cho các nhà thầu, dẫn đến kiện tụng…
May mắn là trong quá trình xử lý các tình huống phát sinh, Chính phủ và TPHCM luôn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ Nhật Bản, JICA và các cơ quan ngoại giao của nước bạn. Hiện nay, những vướng mắc, tồn tại của dự án đang được Chính phủ, các bộ ngành, UBND TPHCM phối hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan từng bước tháo gỡ.
Tuyến metro đầu tiên của TPHCM lăn bánh vào cuối năm 2024 không chỉ là giấc mơ thành hiện thực của người dân TPHCM mà còn là biểu tượng của mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Nguồn: https://tienphong.vn/giac-mo-metro-post1643401.tpo