Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là nơi tập trung của khối di sản nghề gạch, ngói truyền thống có tuổi đời cả trăm năm nổi danh khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu đi ghe dọc theo kênh Thầy Cai, xã Mỹ Phước sẽ thấy hai bên nhấp nhô những lò gạch có hình dạng giống như quả trứng khổng lồ màu đỏ cam vươn lên trời xanh, soi bóng mặt nước.
Nhìn từ trên cao sẽ thấy các lò gạch tròn được ôm ấp bởi ruộng vườn hoa trái trù phú. Toàn bộ không gian được tô điểm bằng những chiếc ghe qua lại, vẽ những đường rẻ quạt duyên dáng trên mặt nước.
Vẻ đẹp của “vương quốc đỏ” Mang Thít là sự cộng hưởng giữa hình dáng và cấu trúc những chiếc lò tròn độc đáo và cảnh quan sông nước miệt vườn hữu tình của miền Tây.
Chú Tám Thanh, 70 tuổi, ở ấp Cái Cạn, xã Mỹ Phước, kể rằng nghề làm gạch ngói ở Vĩnh Long khởi nguồn từ những người gốc Hoa đến đây vào khoảng 100 năm trước, nguyên do có lẽ bắt nguồn từ đất sét – nguyên liệu chính dùng làm gạch, ngói ở đây chất lượng rất tốt.
Có thể, vì vậy mà ở khu vực dọc hạ lưu sông Mekong, khu vực Mang Thít tụ lại nhiều lò gạch nhất. Các vùng khác như Sa Đéc, Bến Tre, Cần Thơ cũng có rải rác nhưng quy mô chỉ vài chục cho đến 200 lò.
Bí quyết nghề làm gạch, ngói được truyền tay, truyền miệng qua nhiều thế hệ, giúp làm giàu cho các gia đình ở Mang Thít và tạo việc làm cho nhiều người đến từ các tỉnh khác.
Những năm 1990, số lò gạch ở Mang Thít mở ra đến gần 3.000 lò, tập trung nhiều ở khu vực 04 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh, tạo nên cảnh quan ấn tượng.
Nguồn:https://www.facebook.com/photo/?fbid=760652676175891&set=pcb.760652782842547