Nguồn cung khan hiếm, xuất khẩu cà phê sẽ giảm dần theo từng tháng Lượng xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 |
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cà phê đạt 32.041 tấn, giảm sâu 40% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng tới 75% so với cùng kỳ, đạt 4.944 USD/tấn đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên 158 triệu USD, tương ứng tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu cà phê đang tăng cao do nguồn cung suy giảm (Ảnh: Nestle Việt Nam) |
Trên thế giới, tại sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng 1,14%, đạt 4.530 USD/tấn.
Ngược lại, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 giảm 1,12%, về mức 238,2 US cent/lb.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt trên 109,85 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD, tăng 155% về lượng và tăng 104% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với mức tăng 25% về lượng và tăng 80,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,78 nghìn tấn và trị giá 31,63 triệu USD.
Với diễn biến tích cực về giá cà phê thế giới tăng, ngành xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ chế biến, và đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng giá trị gia tăng. Tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu như cà phê hạt rang, cà phê tỏa hương, cà phê túi lọc để tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy giá cà phê liên tục tăng song lượng cà phê trong dân không còn nhiều. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương (VITIC), giao dịch đầu tuần có vẻ đã bớt trầm lắng. Nguyên nhân là bởi hiện tại, lượng cà phê tồn kho chỉ khoảng 200.000 tấn trong khi còn hơn 3 tháng nữa Việt Nam mới vào vụ thu hoạch. Để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước, có thể các doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu từ một số nước lân cận như Indonesia.
Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến khô hạn xảy ra không chỉ ở Tây Nguyên (vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam) mà còn khắp toàn cầu, vì vậy, tổng nguồn cung cà phê trên thế giới giảm mạnh đã đẩy giá cà phê tăng cao kỷ lục từ trước tới nay. Dự báo, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng 7 – 9 giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, tháng 11, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.
Bên cạnh vấn đề nguồn cung đại diện VICOFA cũng cho rằng, ngành cà phê đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất khác. Việc duy trì chất lượng và sản lượng ổn định là yếu tố then chốt để giữ vững vị thế trên thị trường thế giới. Để tận dụng tối đa cơ hội từ giá cà phê tăng cao, các chuyên gia cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-xuat-khau-ca-phe-tang-vot-dat-gan-5000-usdtan-333911.html