Chiều 10/10, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h cùng ngày.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng 990 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và tăng 1.260 đồng trên mỗi lít xăng RON 95. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 19.840 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.060 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành hôm nay. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 1.100 đồng/lít, lên 18.500 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên mức 18.790 đồng/lít; dầu mazut tăng lên 15.910 đồng/kg. Tại kỳ điều hành, liên Bộ vẫn duy trì không trích hay chi Quỹ bình ổn giá.
Như vậy, giá xăng trong nước đã bật tăng chỉ sau một phiên giảm, hiện giá nhiên liệu này ở mức thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương thời điểm cuối tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 20 lần, giảm 21 lần; dầu diesel có 18 lần tăng và 21 lần giảm.
Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ. Số dư quỹ tính đến cuối quý II là 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.
Trong đó, số dư quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – doanh nghiệp nắm một nửa thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước – chiếm hơn một nửa, ở mức gần 3.079 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá ở mức cao như Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) là 328 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) là gần 300 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp 460 tỷ đồng, số dư Quỹ của Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ là hơn 390 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh là gần 165 tỷ đồng…
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-xang-tang-vot-gan-1300-donglit-20241010115745150.htm