Giá dầu thế giới

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá dầu leo dốc.

Lúc 5 giờ 45 phút ngày 7-8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 24 cent, tương đương 0,28%, lên mức 86,48 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ tăng 22 cent, tương đương 0,27%, lên mức 83,04 USD/thùng.

Giá xăng dầu bắt đầu tuần mới trong tư thế leo dốc. Ảnh minh họa: Reuters 

Tuần trước, giá dầu đã xác lập kỷ lục tăng 6 tuần liên tiếp kể từ cuối tháng 2-2022 khi Moscow chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giá dầu đã leo dốc không ngừng bởi các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung trên toàn thế giới trong bối cảnh nhu cầu gia tăng trong những tháng còn lại của năm.

Tuần trước, Saudi Arabia cho biết kéo dài việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9, tháng thứ 3 liên tiếp. Ngoài ra, Riyadh còn nhấn mạnh rằng việc cắt giảm này có thể kéo dài hoặc Riyadh có thể cắt giảm sâu sản lượng trong thời gian tới. Như vậy, trong tháng 9, sản lượng của Saudi Arabia dự kiến sẽ khoảng 9 triệu thùng/ngày.

Cùng với Saudi Arabia, cũng trong tháng 9, Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày, Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak.

Cũng theo Reuters, tại cuộc họp ngày 4-8, OPEC+ đã giữ nguyên chính sách sản lượng của mình và lưu ý rằng nhóm có thể thực hiện các biện pháp bổ sung bất cứ lúc nào. Điều này, theo ngân hàng UBS, có nghĩa là OPEC+ có thể cắt giảm sâu sản lượng nếu điều kiện thị trường “xấu đi”.

Nguồn cung ngày một thắt chặt tiếp tục hỗ trợ giá dầu khiến giá dầu Brent và WTI tuần này đều chạm mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Giá dầu Brent đã tăng vượt ngưỡng 86 USD/thùng. UBS dự đoán, trong những tháng tới, giá dầu Brent sẽ giao dịch trong khoảng từ 85 đến 90 USD/thùng.

Cũng trong tuần trước, sự leo dốc của giá dầu được thúc đẩy bởi dự trữ dầu của Mỹ giảm sốc. Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu của Mỹ giảm 15,4 triệu thùng trong tuần cuối cùng của tháng 7. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính dự trữ dầu của Mỹ giảm “khủng” hơn, tới 17 triệu thùng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào giá dầu cũng ở trạng thái leo dốc. Tuần trước, có thời điểm và có phiên, giá dầu đã trượt dốc bởi đồng USD tăng giá và nhất là việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+.

 Giá xăng dầu sẽ kéo dài đà tăng sang tuần thứ 7? Ảnh minh họa: Oilprice

Tuần trước, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 29-7, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhẹ 6.000 lên mức 227.000. Trong khi đó, tỉ lệ sa thải trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng. Theo Viện Quản lý cung ứng (ISM), chỉ số PMI phi sản xuất tháng 7 đã giảm xuống 52,7 từ mức 53,9 trong tháng 6.

Bloomberg cho biết, nỗi lo về suy thoái kinh tế ở Mỹ đã lắng xuống hỗ trợ cho giá dầu, bất chấp triển vọng tăng lãi suất nhiều hơn từ Fed nếu thị trường lao động vẫn thắt chặt.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7-8 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.791 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.963 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.612 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 20.270 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.531 đồng/kg.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.