Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26-5, giá dầu tăng trong khoảng 1%. Giá dầu leo dốc, chịu tác động bởi diễn biến về thỏa thuận trần nợ của Mỹ và các thông điệp về nguồn cung từ Nga và Saudi Arabia trước cuộc họp chính sách của OPEC+.

 Giá xăng dầu tăng tuần thứ hai. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu thô Brent giao tháng 7 tăng 69 cent, tương đương 0,9%, lên mức 76,95 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 84 cent, tương đương 1,2%, lên mức 72,67 USD/thùng.

Tính cả tuần, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều tăng giá với dầu Brent tăng 1,7%, dầu WTI tăng 1,6%. Với mức tăng này, cả dầu Brent và WTI đã đánh dấu tuần tăng thứ hai.

Theo Reuters, các thị trường vẫn thận trọng do các cuộc đàm phán về trần nợ có thể kéo dài và có những lo ngại mới về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng tới sẽ hạn chế nhu cầu sau dữ liệu chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ và chỉ số lạm phát.

Theo một quan chức Mỹ, mặc dù các nhà đàm phán có thể sẽ sớm đạt được thỏa thuận để nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD nhưng các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến cuối tuần.

Số liệu mới nhất của Mỹ cho thấy, chi tiêu tiêu dùng ở nước này đã tăng 0,8% trong tháng 4; chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tăng 0,4%, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; đơn đặt hàng tư liệu sản xuất cốt lõi tăng 1,4%. Dữ liệu thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý II và lạm phát tăng, thúc đẩy Fed tăng lãi suất vào tháng tới. Tuy nhiên, Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại JPMorgan ở New York, cho biết có thể sẽ có các cuộc tranh luận thú vị tại cuộc họp chính sách của Fed vào tháng tới và bày tỏ tin tưởng rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất.

Cả dầu Brent và WTI đều lao dốc hơn 2 USD ở phiên giao dịch ngày 25-5 sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hạ thấp triển vọng cắt giảm sản lượng tiếp theo của OPEC+ tại cuộc họp ở Vienna ngày 4-6.

Nga đang nghiêng về việc giữ nguyên khối lượng sản xuất dầu vì Moscow hài lòng với giá cả và sản lượng hiện tại, Reuters dẫn 3 nguồn tin am hiểu về Nga.

Điều đó trái ngược với những ngụ ý trước đó của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, về khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC+. Ngài bộ trưởng đã cảnh báo những người bán khống đặt cược giá dầu sẽ giảm hãy “coi chừng” tổn thất.

Nhận xét về biến động của giá dầu, John Kilduff, đối tác tại Again Capital, cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều đang cảnh giác trước cuộc họp của OPEC vào tuần tới”.

Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai của Mỹ (CFTC) ngày 26-5 cho biết các nhà quản lý tiền đã cắt giảm các vị thế mua ròng dầu thô kỳ hạn và quyền chọn của Mỹ trong tuần tính đến ngày 23-5.

Trong khi đó, nhu cầu xăng của Mỹ dự kiến sẽ vẫn mạnh khi kỳ nghỉ cuối tuần Ngày Tưởng niệm, từ 27 đến 29-5, bắt đầu, thúc đẩy nhu cầu du lịch bằng ô tô.

Những thông điệp trái chiều quanh nguồn cung của OPEC+ đang tác động mạnh đến giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Oilprice 

Về phía cung, trong tuần, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 5 xuống còn 570 giàn, theo báo cáo từ Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (BKR.O). Trong tháng 5, số lượng giàn khoan dầu đã giảm 21 giàn – mức giảm hằng tháng lớn nhất kể từ tháng 6-2020.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát dai dẳng ở châu Âu đã hạn chế đà tăng giá. Giám đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản ít nhất hai lần nữa.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27-5 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.488 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 21.499 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.954 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.969 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.158 đồng/kg.

MAI HƯƠNG