Giá xăng dầu trong nước hôm nay 23/3/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 23/3 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/3 của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh giá xăng.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 23.210 đồng/lít. Giá xăng RON95 lên mức 24.280 đồng/lít.
Giá bán lẻ dầu diesel tăng lên 21.010 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng lên mức 21.260 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/3 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.280 | + 740 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.210 | + 720 |
Dầu diesel | 21.010 | + 470 |
Dầu hỏa | 21.260 | + 560 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 23/3/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 23/3 tiếp tục xu hướng đi lên từ phiên trước.
Trong phiên giao dịch 22/3, giá dầu quốc tế hồi phục sau khi liên tục đi xuống vào hai phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h36′ ngày 22/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86 USD/thùng, tăng 0,2 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 81,31 USD/thùng, tăng 0,24 USD, tương đương 0,3% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu hồi phục trước lo ngại căng thẳng địa chính trị gây gián đoạn nguồn cung.
Reuters thông tin rủi ro gián đoạn vận tải biển vẫn còn hiện hữu khi quân đội Mỹ đã phá hủy hai tên lửa đạn đạo chống hạm và một tàu mặt nước không người lái do lực lượng Houthi phóng từ Yemen. Đây được cho là mối đe dọa với các tàu buôn và liên minh trong khu vực.
Còn tại Đông Âu, căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng được đẩy lên cao khi ông Ihor Terekhov, thị trưởng thành phố Kharkov, Ukraine, cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã làm hư hỏng một phần nguồn cung điện của thành phố.
Trong khi đó, hành động của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga cũng thúc đẩy các nhà đầu tư giao dịch dầu thô với giá cao hơn, bởi họ lo ngại các cuộc đình công có thể ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu toàn cầu.
Theo tính toán của Reuters, các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã làm giảm 7% công suất lọc dầu của Nga, tương đương khoảng 370.500 thùng dầu mỗi ngày.
Giới phân tích cho rằng sự gián đoạn kéo dài có thể buộc các nhà sản xuất của Nga phải giảm nguồn cung nếu họ không thể xuất khẩu dầu thô và phải đối mặt với những hạn chế về kho dự trữ.
Trong báo cáo về triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 3, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết thị trường dầu thô thế giới sẽ thâm hụt khoảng 870.000 thùng mỗi ngày trong giai đoạn quý II năm nay.