Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ 15h hôm nay (21/4) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng giảm nhẹ theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Trong trường hợp cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng bán lẻ trong nước vào chiều nay có thể được điều chỉnh giảm từ 220-450 đồng/lít. Còn giá dầu sẽ giảm từ 100-380 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào hôm nay sẽ quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp.
Giá xăng dầu trong nước được dự báo giảm cùng thế giới (Ảnh: Nguyễn Huế)
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tiếp đà giảm từ 3 phiên liền trước. Giá dầu thô Brent về mốc 81 USD/thùng. Còn giá dầu WTI xuống ngưỡng 77 USD/thùng.
Hôm qua (20/4), giá dầu thế giới giảm khá mạnh. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h23′ ngày 20/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 82,32 USD/thùng, giảm 0,8 USD, tương đương 0,96% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 78,47 USD/thùng, giảm 0,69 USD, tương đương 0,87% so với phiên liền trước.
Đến 19h36′ ngày 20/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 81,91 USD/thùng, giảm 1,21 USD, tương đương 1,46% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI là 77,96 USD/thùng, giảm 1,2 USD, tương đương 1,52% so với phiên liền trước.
Theo giới chuyên gia, giá dầu giảm mạnh do những đồn đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất bất chấp dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 tới để kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư lo ngại việc tăng lãi suất của Mỹ có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và hạn chế nhu cầu năng lượng tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tỏ ra cảnh giác với lạm phát và cho biết lãi suất cần tiếp tục tăng.
Thêm vào đó, sự lao dốc của giá dầu còn chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng USD.
Đồng bạc xanh mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu toàn cầu bởi giá dầu được giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ bằng các loại tiền tệ khác.
Một báo cáo của Fed được công bố vào ngày 19/4 cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ ít thay đổi trong những tuần gần đây, với tăng trưởng việc làm giảm nhẹ và tốc độ tăng giá chậm lại. Thông tin trên làm gia tăng những lo ngại rằng chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.
Song đà giảm của giá dầu phần nào bị hạn chế bởi dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc và dự trữ dầu của Mỹ giảm.
Mức tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc đạt 4,5%, cao hơn con số dự báo của giới chuyên gia là 4%. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất của nước này kể từ quý I/2022.
Số liệu này là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn nhu cầu về dầu trong năm nay.
Trong khi đó, sản lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API), với mức giảm khoảng 2,68 triệu thùng.
Nguồn vietnamnet