Tài xế công nghệ bế tắc, tắt app bỏ nghề
Đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, tài xế công nghệ hiện đang “đau đầu” trước bài toán giá xăng tăng. Mặc dù ngày nào cũng chạy đều nhưng thu nhập vẫn giảm sút khiến nhiều tài xế lao đao. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Văn Đối – tài xế công nghệ (62 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ngoài nhận khách trên ứng dụng còn nhận chuyến đón học sinh cố định vào 7h sáng và 17h mỗi ngày để tăng thu nhập.
“Cước phí mỗi chuyến xe không thay đổi, nhưng giá xăng liên tục tăng vọt khiến thu nhập của tôi bị ảnh hưởng. Ngày trước thu nhập của tôi được 5 triệu đồng/tháng nhưng nay giảm chỉ còn 3,5 – 4 triệu đồng. Với mức lương này sống cùng gia đình ở Hà Nội không dễ dàng” – ông Đối cho hay.
Tiền chạy xe không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều tài xế công nghệ tính đến chuyện “tắt app” bỏ nghề về quê lập nghiệp. Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Trần Xuân Tiến – tài xế công nghệ (26 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết năm 2022, khi giá xăng tăng kỷ lục gần 30.000 đồng/lít đã từng dừng chạy xe, chuyển sang công việc khác.
“Tiền chạy xe không bõ tiền xăng nên giờ tôi chỉ chạy xe để kiếm thêm ngoài giờ hành chính. Nhưng nếu giá xăng vẫn tiếp tục leo thang, sẽ rất khó duy trì” – anh Tiến cho hay.
Để hạn chế tình trạng xăng tăng, nhiều tài xế công nghệ tham gia vào các hội nhóm trên Facebook hoặc Zalo để chia sẻ đơn hoặc ghép đơn. Theo đó, khi nhận được đơn của khách có nhu cầu di chuyển hoặc giao hàng, thay vì mở ứng dụng, họ sẽ đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội. Bằng hình thức này, các tài xế công nghệ sẽ tìm kiếm thêm đơn hàng, từ đó cùng một quãng đường nhưng giao thêm 1 – 2 đơn. Từ đó, tiết kiệm tiền xăng, tăng thêm thu nhập.
Bị huỷ chuyến vì “tiền xăng không bõ công chạy”
Giá xăng liên tục tăng, nhiều tài xế bỏ nghề và chọn lọc từng chuyến xe đơn hàng khiến việc đặt xe ôm của nhiều người trở nên khó khăn. Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Tuyết Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết – đã phải đặt xe tới 4 lần mới thành công tìm được xe ôm đi từ Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Mỹ Đình) đến Bến xe Mỹ Đình.
“Nhà tôi có việc về quê nên có nhu cầu ra bến xe Mỹ Đình gấp nhưng đặt xe nhiều lần vẫn không tìm được tài xế. Những lần đầu, chuyến xe được xác nhận đặt thành công nhưng đều bị tài xế huỷ, đến lần thứ 4 mới thành công” – chị Ngân cho biết.
Không chỉ chị Ngân mà nhiều người bạn của chị cũng gặp tình trạng tương tự. Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây, giá xăng tăng cao, nhiều chuyến phải đón khách xa, trừ thêm tiền xăng và tiền chiết khấu, còn lại lợi nhuận rất ít nên các tài xế “ngại” nhận.
Chị Mỹ Duyên (Thường Tín, Hà Nội) cũng cảm thấy 2 tuần gần đây, việc gọi taxi công nghệ khó hơn nhiều so với trước, giá cước tăng cao.
“Trước đây, cước phí chuyến xe từ nhà tôi đến cơ quan chỉ mất 40.000 đồng, nhưng nay đã lên đến hơn 50.000 đồng. Thậm chí nếu gọi vào giờ cao điểm, khả năng cao sẽ khó tìm thấy tài xế. Có lần, tôi phải ra tận đường lớn, gần các hàng quán để bắt xe dễ dàng hơn” – chị Ngân cho hay.
Tại phiên điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất vào chiều 21.9, giá xăng các loại ghi nhận tăng mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng từ 23.471 đồng/lít lên mức 24.190 đồng/lít; xăng RON95-III tăng từ 24.871 đồng/lít lên mức 25.740 đồng/lít.
Trước đó, phiên điều chỉnh giá xăng ngày 5.9 cũng ghi nhận giá xăng tăng 6 lần liên tiếp. Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng do xu thế tăng chung của thị trường dầu thế giới. Nhu cầu sử dụng tăng cao, kết hợp với việc OPEC+ kiềm chế nguồn cung, thắt chặt thị trường khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao trong 10 ngày qua.