Giá Robusta duy trì đà tăng, xuất khẩu cà phê được lợi Xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá |
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 18/10, tâm điểm chú ý tiếp tục hướng về đà tăng của hai mặt hàng cà phê. Trong đó, giá Arabica tăng 0,64%, lên mức cao nhất trong một tháng, giá Robusta ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp khi đóng cửa với mức giá cao hơn tham chiếu 0,65%. Lo ngại gián đoạn nguồn cung từ hai thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu đã hỗ trợ giá tiếp tục đi lên.
Giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục duy trì đà tăng |
Theo Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB), giá Arabica tại quốc gia này đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giảm so với một tuần trước đó. Giá thấp có thể khiến các nhà cung cấp đứng ngoài thị trường, kéo theo lo ngại gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn.
Đồng thời, mưa kéo dài tại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đúng giai đoạn thu hoạch của nông dân đang dấy lên một vài lo ngại ảnh hưởng xấu đến sản lượng và thời gian xuất khẩu cà phê vụ mới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua ngày 18/10, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng ngày thứ 4 liên tiếp. Với mức tăng 400 đồng/kg, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 63.700 – 64.200 đồng/kg. So với ngày đầu tuần, giá cà phê đã tăng mạnh gần 1.000 đồng/kg.
Giá tăng cao giúp xuất khẩu cà phê được hưởng lợi |
Giá cả hai loại cà phê tăng vọt đã góp phần giúp xuất khẩu cà phê được lợi. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 3,13 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng, nhưng tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng giá bán lại theo chiều hướng ngược lại. Tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới 3.310 USD/ tấn, tăng 8,4% so với tháng 8/2023 và tăng 36,1% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.497 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để nâng cao năng lực xuất khẩu cà phê, mới đây, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II, Bà Rịa-Vũng Tàu, Highlands Coffee đã tổ chức lễ khởi công nhà máy rang cà phê Cao Nguyên đạt tiêu chuẩn quốc tế với vốn đầu tư lên đến 500 tỉ đồng.
Với diện tích gần 24.000m2 và các trang bị công nghệ hàng đầu thế giới, nhà máy Highlands Coffee có thể đạt công suất gần 10.000 tấn cà phê mỗi năm trong giai đoạn đầu. Các giai đoạn tiếp theo công suất có thể đạt tới 75.000 tấn cà phê mỗi năm. Đây sẽ là nhà máy rang cà phê quy mô hàng đầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng cũng như tại Việt Nam nói chung. Từ đó nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu cà phê chế biến.
Highlands Coffee tự tin khẳng định vị thế vượt trội trong lĩnh vực sản xuất cà phê rang xay đậm chất Việt, cũng như đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là bước đi chiến lược của thương hiệu trong cuộc đua trực tiếp với các thương hiệu cà phê toàn cầu.
Nhà máy rang xay cà phê Cao Nguyên tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong các dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển của thương hiệu trong 5 năm tới và được định hướng sẽ trở thành nhà máy rang xay cà phê lớn nhất Việt Nam và có tầm cỡ của khu vực.
Trong các thị trường chủ lực của cà phê Việt 9 tháng qua, Mexico là một trong những quốc gia ghi nhận tăng mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch. Cụ thể, trong tháng 9, xuất khẩu cà phê sang Mexico đạt 3.051 tấn với trị giá hơn 7,97 triệu USD, tăng 85,7% về lượng và tăng mạnh 141,2% về trị giá so với tháng 9/2022.
Tính đến hết quý 3, thị trường Bắc Mỹ này đã chi ra 77,46 triệu USD để nhập khẩu 32.558 tấn cà phê, tăng 48,6% về sản lượng và tăng 73,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Mexico là 2.379 USD/tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Chính nhờ giá xuất khẩu tăng mà kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng cao đáng kể.