Gia Viễn là vùng trọng điểm của tỉnh về công tác phòng, chống bão, lũ, nên huyện đã có sự chuẩn bị, triển khai chủ động ngay từ đầu mùa. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn về công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) trên địa bàn. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Gia Viễn là một trong những địa phương có địa hình phức tạp, vùng chiêm trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong công tác PCTT – TKCN năm nay?
Đồng chí Đinh Anh Tuấn: Những năm qua, huyện Gia Viễn đã chú trọng huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các công trình phục vụ công tác PCTT. Toàn huyện có trên 58km đê (các cấp) bao quanh huyện đã được bê tông và mở rộng mặt cắt. Các công trình ngày càng được xây dựng kiên cố, vững chắc. Nhiều công trình được xây dựng mới và nâng cấp đảm bảo cho công tác PCTT như cống Tân Hưng, trạm bơm Gia Vân; xử lý lún, nứt, phát quang cỏ mái đê tả Hoàng Long,…
Là huyện trọng điểm trong công tác PCTT, hiện nay công tác PCTT và TKCN của huyện Gia Viễn cũng tiềm ẩn những khó khăn như: các công trình PCTT mới được đầu tư xây dựng chưa được thử sức, trải nghiệm khả năng ứng phó với thiên tai. Cùng với đó, qua kiểm tra, giám sát, hiện nay đê tả sông Hoàng Long có nhiều dấu hiệu xuống cấp như: lún, nứt mặt đê, một số đoạn chưa có cơ đê… nhưng do dự án nâng cấp đê tả sông Hoàng Long còn dở dang chưa thực hiện quyết toán, bàn giao nên gây khó khăn cho việc đầu tư, nâng cấp công trình để đảm bảo phục vụ PCTT. Hơn nữa, trong những năm qua (từ trận lụt lịch sử tháng 10/2017) thời tiết trên địa bàn tương đối thuận lợi nên nảy sinh tâm lý chủ quan tại một số cơ quan, đơn vị và người dân.
Tại hội nghị triển khai công tác PCTT và TKCN năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cũng nhận định: Trình độ nhận thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai ở một số xã và một số đơn vị còn hạn chế; một số xã chưa chú trọng xây dựng đội ngũ xung kích phòng, chống thiên tai đạt chuẩn theo quy định. Lực lượng lao động trẻ ở các xã chủ yếu đi làm ăn xa hoặc làm trong các khu, cụm công nghiệp nên không chủ động trong việc tham gia lực lượng xung kích PCTT cấp xã; lực lượng lao động nông nghiệp ở quê chủ yếu là người nhiều tuổi, không đảm bảo chất lượng khi tham gia trong lực lượng xung kích PCTT cấp xã và lực lượng tại chỗ cần huy động khi có thiên tai xảy ra.
Phóng viên: Trước khó khăn nêu trên, Gia Viễn đã thực hiện các giải pháp nào để đảm bảo công tác PCTT và TKCN, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Anh Tuấn: Xác định công tác PCTT và TKCN là nhiệm vụ hàng đầu và rất quan trọng, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy và các phân ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện năm 2023 và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Giao nhiệm vụ xử lý các sự cố về thiên tai và địa bàn phụ trách cho các đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn.
Đến nay Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện hoàn thành xây dựng và phê duyệt các phương án PCTT và TKCN của huyện, của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện để làm căn cứ thực hiện năm 2023. UBND huyện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2022, đồng thời tổ chức Hội nghị hiệp đồng lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia PCTT và TKCN năm 2023.
Trước đó, các đơn vị chức năng, địa phương phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, trọng điểm xung yếu PCTT năm 2023 trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn đã tổ chức xây dựng phương án PCTT và TKCN của đơn vị mình để trình Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện thẩm định làm căn cứ phê duyệt. Đồng thời tổ chức kiện toàn lực lượng xung kích PCTT cấp xã, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị theo nhiệm vụ được phân công.
Phóng viên: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN huyện chỉ đạo và phối hợp giữa các ngành, địa phương và người dân thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Anh Tuấn: Với phương châm “tích cực, chủ động phòng là chính”, khi có tình huống thiên tai xảy ra thì “đảm bảo tính cơ động”, nhanh chóng huy động người, phương tiện, cơ sở vật chất, đồng thời hỗ trợ, chi viện giữa các đơn vị, ngành nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Để làm tốt nhiệm vụ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tổ chức duyệt rất kỹ các phương án PCTT&TKCN năm 2023 của huyện, của các cơ quan, đơn vị đảm bảo phù hợp và sát với tình hình thực tế, diễn biến của thiên tai; trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ, vị trí, đơn vị phụ trách để đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu, tránh sự trùng lặp, chồng chéo trong công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng trong công tác PCTT và TKCN năm 2023.
Tổ chức tuyên truyền các kỹ năng ứng phó trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai trên hệ thống truyền thanh 3 cấp để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và các công trình PCTT để đảm bảo an toàn, hiệu quả lâu dài cho các công trình PCTT.
UBND huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị bao gồm vật tư, phương tiện, lực lượng và công tác “4 tại chỗ” của các đơn vị, các xã, thị trấn để phục vụ công tác PCTT&TKCN năm 2023 trên địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra hệ thống kênh, mương, trạm bơm, cống, âu, các công trình thủy lợi đang thi công, hệ thống thoát nước các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, vùng trũng thấp… để đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Đường (thực hiện)