Dù các hãng bay cung ứng 7 triệu vé, song thống kê từ cơ quan quản lý cho thấy giá vé máy bay dịp sát Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trong khi đó, ghi nhận trên nhiều chặng bay cho thấy giá vé máy bay dịp Tết tăng gấp đôi so với ngày thường.
Dù đã có nhiều biện pháp từ các hãng hàng không và cơ quan chức năng, nhưng do nhu cầu di chuyển của người dân vào dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, khiến cho việc mua vé về quê trở thành thách thức không nhỏ đối với người lao động xa quê.
“Hết vé phổ thông, chỉ còn vé thương gia”!
Ngày 2-12, ngồi trong quán cà phê, chị Thùy Trâm (28 tuổi, sống tại TP.HCM) liên tục đảo qua đảo lại website của các hãng bay để tìm vé về quê Đà Nẵng vào ngày 26-1-2025, tức 27 tháng chạp âm lịch.
Dù chị nỗ lực tìm kiếm từ nhiều kênh nhưng vẫn khó mua được vé hạng phổ thông khi hãng thông báo trên website là hết vé phổ thông, hiển thị chỉ còn vé thương gia.
“Hạng thương gia, giá chạm ngưỡng 5 – 6 triệu đồng mỗi chặng, quá sức với gia đình bốn người của tôi. Nếu chọn bay muộn hơn một ngày, giá vé phổ thông giảm xuống còn 2,6 triệu đồng/người, nhưng vẫn gấp đôi so với ngày thường.
Tổng chi phí cả đi và về cho cả nhà là hơn 35 triệu đồng, gần bằng hai tháng lương của hai vợ chồng tôi”, chị Trâm chia sẻ.
Không riêng gia đình chị Trâm, nhiều người lao động khác cũng đành từ bỏ kế hoạch về quê vì giá vé quá cao. Anh Nguyễn Phúc Châu, một lao động thất nghiệp đã hai năm nay, cho biết vợ chồng anh quyết định ở lại TP.HCM ăn Tết vì chi phí vé khứ hồi lên đến hơn 8 triệu đồng cho hai người.
“Chúng tôi đành chịu, vì số tiền đó là khoản chi vượt khả năng tài chính hiện tại”, anh Châu nói.
Theo khảo sát, giá vé máy bay chiều từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… vào dịp Tết dao động từ 3,7 – 3,9 triệu đồng/vé trước Tết. Với chiều ngược lại, sau
Tết chỉ còn từ 1,1 – 1,2 triệu đồng/vé. Sự “lệch đầu” này khiến giá vé chiều về quê tăng vọt, tạo thêm áp lực lớn cho người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy các hãng bay đang tập trung nguồn lực, tăng thêm nhân sự để duy trì hoạt động mùa Tết khá rầm rộ. Ngoài việc tăng tải, bổ sung thêm máy bay, các dịch vụ tiện ích mới được tung ra nhằm tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển.
Chẳng hạn, hành khách mua vé của Vietjet trên website có thể chọn luôn dịch vụ taxi với mức giảm giá đáng kể.
Hãng bay này cũng triển khai sản phẩm E-Voucher của taxi Xanh SM tích hợp với vé máy bay. Khách hàng có thể đặt trước dịch vụ taxi với mức giá giảm đến 20%.
Cụ thể, gói 15km chỉ từ 200.000 đồng, áp dụng tại các sân bay TP.HCM, Huế và Đà Nẵng, trong khi gói 30km từ 350.000 đồng áp dụng tại Hà Nội, Phú Quốc, Khánh Hòa và Quảng Ninh.
Tăng tần suất bay, khai thác bay đêm…
Trước áp lực lớn từ nhu cầu đi lại dịp Tết, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng bay tăng tải tối đa. Sân bay Tân Sơn Nhất, nơi có lượng khách lớn nhất cả nước dịp Tết, đã nâng tần suất khai thác lên mức tối đa 46 chuyến/giờ trong khung giờ cao điểm từ 5h – 23h55 trong dịp Tết.
Ngoài ra, các hãng được khuyến khích khai thác thêm các chuyến bay đêm tại các sân bay địa phương như Thọ Xuân, Chu Lai, Tuy Hòa để giảm tải.
Các hãng bay cũng đang gấp rút bổ sung đội bay. Bamboo Airways đã tăng thêm 8 chiếc Airbus A320, trong khi Vietnam Airlines và Vietravel Airlines thuê thêm máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu.
Dự kiến, hàng trăm chuyến bay sẽ được bổ sung trong giai đoạn cao điểm Tết.
Ngoài việc tăng cường số lượng chuyến bay, ngành hàng không còn áp dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa vận hành. Tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng, hệ thống phối hợp ra quyết định A-CDM (Airport Collaborative Decision Making) đã được triển khai.
Quy trình này cho phép các đơn vị liên quan chia sẻ thông tin và phối hợp điều phối, giúp giảm thiểu tình trạng chậm chuyến, tăng tỉ lệ chuyến bay đúng giờ và ứng phó linh hoạt trong các tình huống bất thường như thời tiết xấu hoặc máy bay về trễ.
Các sân bay lớn cũng đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại cổng ra vào. Công nghệ RFID và camera nhận diện biển số giúp giảm thời gian chờ, hạn chế ùn tắc, đặc biệt vào những ngày cao điểm.
Dù đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, ngành hàng không vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Đăng Minh – trưởng ban khai thác Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), số lượng tàu bay năm nay dự kiến giảm do nhiều vấn đề kỹ thuật.
Các hãng bay như Vietnam Airlines và Vietjet đã thuê thêm máy bay, số lượng máy bay phục vụ dịp Tết 2025 chỉ tương đương năm ngoái, trong khi nhu cầu đi lại của người dân được dự báo sẽ tăng mạnh hơn.
Thêm vào đó, nhu cầu di chuyển cao kỷ lục vào Tết Nguyên đán 2025 với kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày càng tạo áp lực lớn. Theo ACV, lượng khách qua các sân bay trong cả nước dịp cao điểm Tết dự kiến đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng nhẹ so với 10 triệu lượt năm trước.
Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách dự kiến vượt 4 triệu lượt, khai thác ở mức tối đa 46 chuyến/giờ.
7 triệu vé Tết, giá vé tăng, giảm thế nào?
Cục Hàng không Việt Nam vừa khảo sát giá vé máy bay hạng phổ thông vào cuối tháng 11-2024, trên các đường bay nội địa dịp Tết Nguyên đán 2025. Kết quả cho thấy một số đường bay đã đạt tỉ lệ đặt chỗ lên đến hơn 100% ở chiều đi, trong khi chiều ngược lại đạt mức thấp, thậm chí dưới 10%.
Trước Tết, nhu cầu bay từ TP.HCM đến các tỉnh miền Trung và miền Bắc tăng mạnh. Các tuyến bay như TP.HCM – Huế, TP.HCM – Quy Nhơn và TP.HCM – Tuy Hòa ghi nhận tỉ lệ đặt chỗ từ 90 – 100%. Ngược lại, chiều về từ các địa phương này đến TP.HCM chỉ đạt mức 5 – 15%.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, các hãng hàng không dự kiến cung ứng tổng cộng 6,9 triệu ghế trong dịp Tết, tăng 4% so với năm 2024, trong đó 4,8 triệu ghế dành cho các đường bay nội địa. Vietjet và Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bổ sung thêm máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu khách tăng đột biến.
Giá vé trên các đường bay phổ biến trong những ngày sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (25-1-2025, tức 26 tháng chạp) tăng đáng kể. Trên chặng TP.HCM – Hà Nội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways duy trì giá vé khoảng 3,6 triệu đồng/chiều.
Vietjet ghi nhận mức giá tương tự, tăng 20% so với thời điểm trước lễ, trong khi Vietravel Airlines có giá 3,4 triệu đồng/chiều, tăng 17%.
Cuối kỳ nghỉ Tết (ngày 2-2-2025, tức mùng 5 tháng giêng âm lịch), tình trạng lấp đầy ghế diễn biến ngược lại. Các chuyến bay từ các địa phương như Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đồng Hới về TP.HCM đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình 75%, thậm chí vượt 100% trên một số đường bay.
Ngược lại, các chuyến từ TP.HCM đến các tỉnh chỉ đạt mức 10 – 20%. Đối với các đường bay trục lớn như TP.HCM – Đà Nẵng, TP.HCM – Hà Nội và Hà Nội – Đà Nẵng, tỉ lệ lấp đầy trong suốt kỳ nghỉ Tết (từ 25-1 đến 2-2-2025) vẫn chưa cao, chỉ đạt trung bình 15 – 20%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-ve-may-bay-tet-dat-van-kho-mua-20241203081128316.htm