Giá vé máy bay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng hơn 33%, tại Bắc Mỹ và châu Âu tăng 17% và 12%, khiến du lịch hàng không ngày càng trở nên xa xỉ.
Du lịch hàng không luôn là một điều xa xỉ khi chỉ khoảng 20% dân số thế giới từng đi máy bay. Sau dịch, giá vé tăng lên ở hầu hết khu vực trên thế giới. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2019. Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 17% và 12%.
Châu Á có nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản đóng cửa phòng ngừa dịch bệnh lâu hơn châu Âu và Bắc Mỹ, và mới trong giai đoạn phục hồi, khiến giá vé ở khu vưc tăng cao nhất.
Một trong những chủ đề bàn luận nhiều nhất hiện nay ở Hong Kong là chi phí đi lại bằng đường hàng không, thường đi kèm với tiếng thở dài và hồi ức về những ngày trước dịch. Công ty du lịch Jebsen Travel trụ sở tại Hong Kong cho biết hiện giá vé cao hơn 15-40% so với năm 2019. Vé khứ hồi hạng phổ thông chặng Hong Kong – Tokyo giá 650 USD, trong khi năm 2019 là gần 490 USD, chặng Hong Kong – Surabaya (Indonesia) hiện gần 720 USD, so với trước kia là 460 USD.
Trên toàn cầu, giá vé được dự báo tiếp tục tăng trong năm nay và đến 2024.
Tại Trung Quốc, doanh thu du lịch nội địa dịp nghỉ lễ 1/5 tăng 101% so trước dịch, khi khoảng 274 triệu lượt người đi du lịch. Khách đi du lịch quốc tế cũng đạt mức cao nhất trong ba năm qua, với lượng đặt vé máy bay tăng vọt gần 900% so cùng kỳ năm ngoái, đặt phòng khách sạn tăng gần 450%. Giá trung bình một vé đi nước ngoài là 304 USD trong dịp nghỉ lễ, cao hơn khoảng 30% so với năm 2019 do nhu cầu vượt xa nguồn cung, theo ứng dụng du lịch trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc Trip.com.
Nhu cầu lớn, nhưng nguồn cung hiện phức tạp hơn đôi chút do thiếu lao động tại các hãng và sân bay. Ngoài nhân viên lao động phổ thông, nhiều hãng bay còn cắt giảm nhân sự là các phi công và đào tạo người có chuyên môn thường cần thời gian. Không phận Nga đóng cửa cũng khiến nhiều chặng phải bay vòng, giá nhiên liệu tăng, góp phần đẩy giá.
Các hãng hàng không lớn cũng chưa hoạt động được hết công suất do nhiều máy bay phải dừng hoạt động trong dịch. Hai nhà sản xuất chính là Boeing và Airbus chưa thể cung cấp hàng mới đủ nhanh vì tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Một yếu tố quyết định nữa khiến giá vé không thể giảm là nhiều nhiều hãng bay giá rẻ, từng giúp giữ giá cạnh tranh, vẫn chưa mở lại các tuyến đường cũ. Jin Air, Jetstar Japan, Jeju Air, Mandarin Airlines, SpiceJet và IndiGo chưa xuất hiện lại tại Chek Lap Kok (sân bay quốc tế Hong Kong). Trong khi đó, Alitalia, Air Namibia, Flybe và 61 hãng hàng không khác đã phá sản trong dịch.
“Không ai dự đoán giá vé máy bay sẽ sớm giảm. Nhưng khi tác động của biến đổi khí hậu trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, việc định giá cao hơn cho dịch vụ có tác động lớn đến môi trường này dù sao cũng sẽ phù hợp hơn”, Mark Footer, chuyên gia theo dõi mảng hàng không, nhận xét.
Anh Minh (Theo SCMP)