Tăng giá, đẩy khách đi ra nước ngoài?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Khung trần giá vé máy bay dự kiến được quy định tăng từ 50.000 đồng – 250.000 đồng tùy chặng bay.
Cụ thể, nhóm đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá trần tăng 50.000 đồng/vé một chiều từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng, tương ứng tăng 2,27%. Nhóm đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá trần tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng/vé một chiều (tương đương tăng 3,58%). Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, Bộ GTVT đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng/vé một chiều, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành (tăng 6,25%) Nhóm cuối cùng – khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên được đề xuất mức giá 4 triệu đồng/vé một chiều, cao hơn 250.000 đồng so với quy định hiện hành là 3,75 triệu đồng. Đây cũng là nhóm được đề xuất tăng giá mạnh nhất, tới 6,67%.
“Khách đến hỏi tour giờ còn đang phân vân, lưỡng lự giữa tour trong nước và đi nước ngoài. Nếu dự thảo này được thông qua, vé máy bay tiếp tục tăng nữa, họ sẽ quyết định xuất ngoại ngay”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TST Tourist, bày tỏ quan điểm ngay khi dự thảo của Bộ GTVT được ban hành.
Nỗi lo hiển hiện như vậy là bởi ông Mẫn từng trực tiếp nhận phàn nàn của khách hàng tại Hà Nội khi hỏi thông tin tour đi Phú Quốc đợt lễ 30.4 – 1.5 vừa qua. Nhận giá, khách phản ứng ngay và đòi chuyển hướng đi các khu vực gần Hà Nội. Thực tế, giá tour Hà Nội – Phú Quốc trong 3 – 4 ngày hiện nay đã hơn 10 triệu, tương đương tour đi Thái Lan 5 ngày chất lượng cao, trong đó chi phí hàng không chiếm tới khoảng 60%. Nhiều đường tour trong nước của TST Tourist cũng đã phải điều chỉnh bảng giá vì sự biến động của hàng không, trong đó có tuyến tăng tới 40%.
“Thay vì nô nức chuẩn bị cho mùa du lịch lớn nhất năm như mọi năm, cao điểm hè năm nay vẫn là ẩn số do chờ động thái cuối cùng từ hàng không. Giá quá cao thì người Hà Nội không bay vào Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Lạt nữa, họ tự chạy ô tô về Quảng Ninh, Hải Phòng hay lên Đông Bắc, Tây Bắc chơi, cũng là biển, là núi vậy thôi. Song, rõ ràng là nhu cầu kết hợp chơi biển và nghỉ dưỡng ở Phú Quốc của họ đã không được đáp ứng. Hoặc giả sử họ chuyển sang đi nước ngoài thì công ty du lịch vẫn chẳng “chết”, vẫn có khách, có tour, có tiền. Cuối cùng, chỉ có khách hàng thiệt, điểm đến thiệt, du lịch nội địa VN thiệt”, ông Mẫn phân tích.
Ở một góc nhìn khác, bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt, phân tích thường nếu hãng này áp giá quá cao, người dân chuyển bay hãng khác hoặc không đi nữa thì vé sẽ phải tự hạ thấp xuống. Điều này đã diễn ra trong một vài đợt cao điểm du lịch gần đây, đặc biệt là mùa lễ 30.4 – 1.5 vừa qua. Giá vé máy bay trước lễ khoảng 1 – 2 tháng cao chót vót, nhưng lại bất ngờ “quay đầu” phút chót để kích cầu trước “giờ G”.
Thực tế vừa nêu đang làm thay đổi thói quen du lịch của du khách. Khách hàng sẽ có tâm lý chờ đến cận ngày đi mới mua vé. Khi đó, công ty du lịch rất khó chủ động dịch vụ. Ngay cả đối với du khách không đi theo tour mà du lịch tự túc cũng rất bị động. Có thể đặt vé máy bay sát ngày sẽ được giá rẻ hơn nhưng khi đó giá khách sạn lại tăng hoặc không còn phòng mong muốn.
“Hơn nữa, giá vé máy bay chiếm khoảng 40% chi phí cấu thành giá tour. Giá tour cao thì khách mua chậm hoặc chuyển hướng đi du lịch nước ngoài. Khi đó, các công ty lữ hành cũng sẽ phải trả lại series vé booking cho hãng bay hoặc các khách sạn, lại tiếp tục vòng luẩn quẩn vé bán tháo, tour chưa biết có bán được hay không”, bà Phương Anh lo lắng.
Máy bay phải dành cho người nhiều tiền?
Trong khi các công ty du lịch như “ngồi trên đống lửa” theo dõi từng động thái của hàng không thì lãnh đạo Hãng hàng không Vietravel Airlines lại đánh giá đây là một trong những đề xuất theo sát tình hình thực tế của ngành, khi các chi phí đầu vào có nhiều sự biến động so với khung giá trần đã được ban hành tại thời điểm cách đây 8 năm.
Dựa trên kết quả hoạt động của Vietravel Airlines trong những năm vừa qua cho thấy trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác luôn dưới khung giá vé trần theo Thông tư 17 được ban hành từ năm 2015. “Giai đoạn đầu của cao điểm hè 2023, Vietravel Airlines ghi nhận giá vé máy bay kết nối từ TP.HCM và Hà Nội đến các thành phố du lịch lớn như Phú Quốc/Quy Nhơn/Đà Nẵng giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện đơn vị này dẫn chứng và khẳng định thông tin giá vé máy bay hè đang cao được đưa ra từ một số đơn vị là chưa sát với tình hình thực tế của thị trường và không phải bức tranh chung của toàn bộ mạng bay theo Thông tư 17 được ban hành từ năm 2015.
“Việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua”, lãnh đạo Vietravel Airlines nhận định.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HÐQT Vietravel Corporation, cho rằng cần phải tính toán, phân tầng lại các hệ thống đi lại, vận chuyển trong xã hội theo từng nấc, bậc khác nhau. Cụ thể, hàng không về bản chất là loại hình vận chuyển chi phí cao, độ an toàn cao. Chi phí đầu tư một chiếc máy bay có thể lên tới 100 triệu USD, cộng thêm chi phí vận hành, mức độ đảm bảo an toàn, chi phí nhiên liệu tăng cao từ 30% hiện nay đã lên tới 50%… Do đó, cần phải phân tầng đối tượng khách có khả năng chấp nhận được giá của loại hình vận tải này. Với những khách hàng không chấp nhận được mức giá cao sẽ chuyển sang đi tàu hỏa, xuống thấp hơn nữa là ô tô. Điều này vừa mang ý nghĩa giúp các doanh nghiệp của từng phân khúc có thể kinh doanh, cạnh tranh đúng cơ chế thị trường, vừa không gây xung đột giữa các loại hình vận tải.
“Do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải tiết giảm tối đa, siết mọi chi phí ở mức thấp nhất, để có vé máy bay giá thấp cho đối tượng khách đi tàu có thể “với” lên được máy bay. Đây cũng là cách để hàng không giá rẻ “thanh lý” luôn đường sắt, nhất là ở những chặng ngắn tầm 300 – 400 km. Nếu cứ duy trì như thế này, cả hàng không và đường sắt cùng không sống nổi”, ông Kỳ nói.
Cũng theo ông Kỳ, nhu cầu vận chuyển đường hàng không hay có tình trạng lệch đầu theo mùa vụ, theo sự kiện. Như Tết Nguyên đán thì máy bay bay chiều TP.HCM – Hà Nội sẽ “full” chỗ nhưng chiều ngược lại gần như bay rỗng, có khi chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 20 – 30%. Khi đó các hãng phải tính toán chi phí cộng cả 2 đầu rồi chia ra để có mức giá vé phù hợp. Đó là lý do vé máy bay mùa cao điểm phải tăng cao, không thể giảm được. Ngoài ra, ở các nước đi du lịch thường lên kế hoạch từ rất xa, đăng ký trước chuyến đi từ sớm thì sẽ mua được vé máy bay giá thấp hơn. Nếu chờ sát ngày mới mua vé, cùng mọi người ào ào đi thời điểm đó thì phải chấp nhận giá vé cao.
Nếu muốn đi máy bay thì hãy lên kế hoạch sớm, chấp nhận giá cao hơn. Muốn đi chơi lễ với chi phí hợp lý hơn thì đi tàu hỏa, ô tô. Nếu không phân tầng thì giao thông sẽ vừa đắt đỏ, vừa khiến hệ thống hạ tầng du lịch quá tải và giảm chất lượng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ